Xung đột Hamas-Israel: Tàu sân bay thứ hai của Mỹ vào Địa Trung Hải
Hai nhóm tàu sân bay USS Eisenhower và USS Gerald R Ford được Mỹ triển khai ở Địa Trung Hải, mỗi chiếc mang theo chín phi đội máy bay quân sự các loại, cùng tám tàu chiến sẵn sàng triển khai.
Báo Haaretz của Israel ngày 28/10 dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết nhóm tàu sân bay USS Eisenhower của Mỹ đã được triển khai ở Địa Trung Hải, bổ trợ cho tàu sân bay USS Gerald R Ford đã được triển khai trước đó.
Lo ngại các bên khác sẽ tham gia cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza, Mỹ đã tăng cường hiện diện tại khu vực, chủ yếu là các nhóm tàu sân bay. Hai nhóm tàu kể trên mỗi tàu mang theo chín phi đội máy bay quân sự các loại (75 máy bay), cùng tám tàu chiến sẵn sàng triển khai.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 28/10 tuyên bố Mỹ sẽ phải đối phó với những mặt trận mới nếu tiếp tục hỗ trợ Israel khiến xung đột ở Dải Gaza leo thang. Ông Amir-Abdollahian khẳng định Tehran ủng hộ bất kỳ giải pháp chính trị nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hiện nay ở Gaza.
Nhiều cơ sở hạ tầng ở miền Bắc Gaza bị phá hủy
Ngày 28/10, quân đội Israel liên tục tấn công Dải Gaza và thực hiện đợt oanh kích xuyên đêm, phá hủy hàng trăm tòa nhà trên dải đất này. Xung đột Israel-Hamas đã bước sang tuần thứ tư và tiếp tục chiều hướng leo thang nguy hiểm.
Người phát ngôn Cơ quan Phòng vệ Dân sự Gaza Mahmud Bassal cho biết hàng trăm tòa nhà và ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn và hàng nghìn công trình nhà ở khác bị hư hại.
[Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay thứ 2 tới Đông Địa Trung Hải]
Theo người phát ngôn này, cảnh tượng rất hoang tàn ở Bắc Gaza sau trận đơt oanh kích của Israel đêm 27/10. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời các nhân chứng cho biết trận oanh kích tập trung vào huyện Jabaliya ở miền Bắc Gaza.
Thành viên lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ali Baraka ngày 28/10 cho biết quân đội Israel đã không thành công trong nỗ lực tiến hành chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza. Ông Baraka thông báo: "Cuộc tấn công Gaza trên bộ của quân đội Israel trên ba hướng đã thất bại và chịu tổn thất nặng nề.”
Israel không thông báo bất kỳ tổn thất nào của quân đội. Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Mayadeen cho biết hơn 80 binh sỹ Israel đã thiệt mạng trong 24 giờ qua.
Israel bắt đầu chiến dịch oanh kích Dải Gaza sau khi phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát dải đất này, thực hiện vụ tấn công bất ngờ vào lãnh thổ của quốc gia Do Thái ngày 7/10 khiến 1.400 người thiệt mạng và bắt giữ 220 con tin.
Cơ quan Y tế Dải Gaza cho biết các cuộc tấn công đáp trả của Israel cho đến nay đã khiến 7.703 người thiệt mạng tại Gaza, trong đó có hơn 3.500 trẻ em.
Lực lượng Hamas cho biết mọi kết nối Internet và viễn thông trên toàn Dải Gaza đã bị cắt. Theo Hội Chữ Thập đỏ Palestine, các dịch vụ cấp cứu cũng bị gián đoạn vì mất điện.
Chia sẻ trên mạng xã hội X, Lynne Hastings, điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc ở các vùng lãnh thổ Palestine, cho biết các bệnh viện và chiến dịch nhân đạo không thể tiếp diễn nếu không có thông tin liên lạc. 12 trong tổng số 35 bệnh viện tại Gaza đã phải đóng cửa.
Người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc về Cứu trợ Người Tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini lo ngại người dân trên Dải Gaza không chỉ thiệt mạng vì bom đạn và các cuộc không kích mà còn vì hậu quả của tình trạng phong tỏa mà Israel đang áp dụng với dải đất này./.