Xung đột Hamas-Israel: Nam Phi kêu gọi tòa án quốc tế ra lệnh ngừng bắn ở Gaza
Tại phiên tòa tại Tòa án Công lý Quốc tế, Nam Phi cáo buộc Israel tăng cường "tội diệt chủng" ở Gaza và kêu gọi hội đồng thẩm phán quốc tế ra lệnh cho Israel “rút quân hoàn toàn và vô điều kiện.”
Trong các phiên điều trần ngày 16/5 tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc, Nam Phi kêu gọi cơ quan này ra lệnh ngừng bắn ở Gaza nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự của Israel tại thành phố Rafah phía Nam vùng đất này.
Đây là lần thứ ba Tòa án Công lý Quốc tế tổ chức các phiên điều trần về cuộc xung đột ở Gaza kể từ khi Nam Phi đệ đơn kiện vào tháng 12/2023 tại tòa án có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) với cáo buộc Israel với tội diệt chủng.
Tại phiên tòa mở đầu cho hai ngày điều trần tại Cung điện Hòa Bình, trụ sở của ICJ, Nam Phi cáo buộc Israel tăng cường cái mà nước này gọi là "tội diệt chủng" ở Gaza và kêu gọi hội đồng gồm 15 thẩm phán quốc tế ra lệnh cho Israel “rút quân hoàn toàn và vô điều kiện” khỏi Dải Gaza.
Theo luật sư phía Nam Phi, nạn diệt chủng của Israel vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng và vừa bước vào giai đoạn mới “khủng khiếp.”
Theo yêu cầu mới nhất, các lệnh sơ bộ trước đó của tòa án La Hay không đủ để giải quyết “một cuộc tấn công quân sự tàn bạo nhằm vào nơi ẩn náu duy nhất còn lại của người dân Gaza.” Israel sẽ được phép trả lời các cáo buộc vào ngày 17/5.
Trong một phán quyết gây chú ý khắp thế giới, ICJ hồi tháng 1/2023 đã ra lệnh cho Israel ngăn chặn các hành động diệt chủng và cho phép viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Nhưng tòa án đã không ra lệnh ngừng bắn và lập luận của Nam Phi là tình hình thực tế - đặc biệt là hoạt động ở thành phố đông đúc Rafah - đòi hỏi ICJ phải có hành động mới.
Nam Phi bắt đầu các thủ tục tố tụng vào tháng 12/2023 và coi chiến dịch pháp lý bắt nguồn từ các vấn đề trọng tâm đối với bản sắc của nước này.
Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC), từ lâu đã so sánh các chính sách của Israel ở Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng với lịch sử của chính họ dưới chế độ phân biệt chủng tộc của người da trắng, vốn hạn chế hầu hết người da đen ở “quê hương.”
Chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc vào năm 1994./.