Xung đột Hamas-Israel: Mỹ lạc quan về triển vọng thỏa thuận ngừng bắn
Phát biểu tại một sự kiện ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Biden nhận định dù chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông, song tiến triển hiện nay là rất tích cực.
Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông đang "gần hơn bao giờ hết."
Phát biểu tại một sự kiện ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhận định dù chưa đạt được thỏa thuận, song tiến triển hiện nay là rất tích cực.
Trên mạng xã hội, Tổng thống Biden cũng kêu gọi các bên tại Trung Đông không nên làm suy yếu các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Sau 2 ngày đàm phán tại Doha, Mỹ với sự hỗ trợ của Ai Cập và Qatar đã trình một đề xuất ngừng bắn nhằm "thu hẹp khoảng cách còn lại" giữa Israel và Hamas.
Trong tuyên bố chung, Mỹ, Ai Cập và Qatar nhấn mạnh đề xuất dựa trên các điểm đạt được trong tuần qua, được đưa ra nhằm thu hẹp khoảng cách để tạo điều kiện cho việc thực hiện nhanh chóng thỏa thuận ngừng bắn.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nhận định các cuộc đàm phán tại Doha là cuộc thương lượng hiệu quả nhất trong nhiều tháng. Thỏa thuận do Mỹ đưa ra đã giúp thu hẹp phần lớn bất đồng giữa các bên.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Israel trong ngày 17/8 nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn, thả con tin dựa trên đề xuất của Mỹ và sự ủng hộ của Ai Cập và Qatar.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phong trào Hamas cho rằng tiến trình đàm phán chưa tiến triển, việc Israel đưa ra các điều kiện mới làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện nay.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dẫn lời ông Walid Kilani, người phát ngôn của Hamas tại Liban, nêu rõ thông tin từ các cuộc đàm phán không đáp ứng được nguyện vọng của người dân Palestine, cũng như không phản ánh những gì đã được thỏa thuận vào tháng Bảy.
Mặc dù Hamas hoan nghênh kế hoạch ngừng bắn do Tổng thống Biden đề xuất, song ông Kilani cáo buộc Israel áp đặt thêm các điều kiện, cản trở các nỗ lực đạt được giải pháp.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mong muốn các nhà đàm phán quốc tế sẽ gây sức ép để Hamas chấp nhận các nguyên tắc được đưa ra vào ngày 27/5.
Liên quan diễn biến thực địa, Kan TV - kênh truyền hình nhà nước Israel dẫn các nguồn tin an ninh cấp cao cho biết nhìn chung, các hoạt động quân sự của quân đội Israel tại Gaza đã kết thúc.
Các quan chức quốc phòng Israel tin rằng đây là thời điểm khởi động thỏa thuận thả con tin, bởi các đơn vị chiến đấu của Hamas đã tan rã.
Về tình hình nhân đạo, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhận định việc Israel tiến hành sơ tán đối với Deir al Balah và Khan Younis đã thu hẹp diện tích khu vực nhân đạo xuống chỉ bằng 11% của Gaza.
Lệnh sơ tán này ảnh hưởng đến 120 khu tạm trú, nơi nương náu của 170.000 người dân phải di tản cho chiến sự.
Theo OCHA, người dân đang phải nhanh chóng sơ tán mà không biết đi đâu, trong lúc nguy hiểm rình rập khắp nơi.
Lệnh sơ tán này cũng ảnh hưởng đến các cơ sở nhân đạo, trong đó có nhà kho của Chương trình Lương thực thế giới.
Trước đó, việc thiếu trầm trọng các kho lưu trữ nguồn cung nhân đạo đã gây khó khăn cho công tác tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ./.