Xung đột Hamas-Israel: Israel mở cửa ngõ mới cho viện trợ vào Gaza
Quân đội Israel đã mở Cổng 96, một lối tiếp cận mới cho phép nguồn cung cấp viện trợ không giới hạn vào Dải Gaza đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói này.
Ngày 22/3, quân đội Israel cho biết đã mở một cửa ngõ mới cho viện trợ vào Dải Gaza, cho phép nguồn cung cấp viện trợ không giới hạn vào dải đất đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói này.
Phát biểu với báo giới, Đại tá Moshe Tetro - người đứng đầu Cơ quan Điều phối của Israel và Cơ quan Liên lạc Gaza, cho biết quân đội nước này đã mở Cổng 96, một lối tiếp cận mới để cung cấp viện trợ cho khu vực phía Bắc Dải Gaza.
Ông cho hay một đoàn 7 xe tải đã đi qua cửa ngõ này vào Gaza trong ngày 21/3, đánh dấu lần thứ ba tuyến đường này được sử dụng kể từ khi mở cửa.
Cũng theo quan chức trên, Israel đang nỗ lực hết sức để mở rộng năng lực viện trợ nhân đạo vào Gaza và hiện "có đủ lương thực chi viện cho Gaza mỗi ngày."
Tình cảnh khó khăn của hơn 2,3 triệu người Palestine ở Gaza trong 6 tháng qua kể từ khi dải đất này bị Israel phong tỏa đã làm dấy lên mối quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Theo một báo cáo công bố mới đây của Liên hợp quốc, nạn đói có nguy cơ xảy ra ở khu vực phía Bắc Dải Gaza và sau đó có thể lan rộng.
Hiện các nước đang nỗ lực đưa hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza thông qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm cả đường biển và đường hàng không.
Hoạt động vận chuyển bằng đường bộ đến Gaza gặp khó khăn do xung đột vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, nhiều cơ quan viện trợ cho rằng vận chuyển bằng đường bộ vẫn hiệu quả hơn cả.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có mặt ở Israel trong chuyến đi thứ 6 tới Trung Đông kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel nổ ra vào tháng 10/2023
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trong ngày 22/3, ông Blinken đã có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Nội các Chiến tranh của Israel Benny Gantz để thảo luận về tình hình chiến sự tại Dải Gaza.
Cuộc gặp trong khoảng 40 phút, tập trung vào công tác tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza và kế hoạch của quân đội Israel đổ bộ vào thành phố Rafah, vốn đang vấp phải sự phản đối của quốc tế, bao gồm cả Mỹ.
Liên quan đến Rafah, ngày 22/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định nếu cần thiết, Israel sẽ vẫn điều quân tới thành phố phía Nam Dải Gaza này mà không cần sự ủng hộ của Mỹ.
Ông cho biết tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken, ông đã nhấn mạnh rằng Israel sẽ không thể đánh bại Hamas nếu không tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah.
Trong một diễn biến liên quan đến cuộc xung đột Hamas-Israel, cùng ngày 22/3, các nước gồm Tây Ban Nha, Ireland, Malta và Slovenia đã nhất trí hợp tác để hướng tới việc công nhận một nhà nước Palestine độc lập.
Thông tin này được Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đưa ra sau một cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ./.