Xung đột Hamas-Israel: Hamas trả tự do cho 2 con tin người Mỹ
Sau khi thả hai mẹ con người Mỹ là Judith Raanan và Natalie Raanan, phía Hamas cũng tuyên bố đang làm việc với đại diện các nước Qatar và Ai Cập để thả các con tin là dân thường.
Trong một tuyên bố ra ngày 20/10, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết để đáp lại các nỗ lực của Qatar, lực lượng này đã thả hai con tin người Mỹ vì “lý do nhân đạo.”
Đây là lần đầu tiên Hamas thả con tin kể từ khi xung đột nổ ra cách đây gần 2 tuần.
Sau khi thả con tin, phía Hamas cũng tuyên bố đang làm việc với đại diện các nước Qatar và Ai Cập để thả các con tin là dân thường.
Văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận Hamas đã thả hai con tin là Judith Raanan và Natalie Raanan vào tối cùng ngày.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng cho biết thêm phía Israel đã tiếp nhận hai con tin tại khu vực giáp giới Dải Gaza và đưa họ tới một căn cứ quân sự để gặp gia đình.
Trong một thông cáo, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định chính quyền nước này đã đảm bảo hai con tin người Mỹ được trả tự do, đồng thời bày tỏ cảm ơn chính quyền Qatar và Israel đã phối hợp, thực hiện công việc này.
Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của hai mẹ con Judith Raanan và Natalie Raanan.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế Mirjana Spoljaric nhận định việc Hamas thả hai người này mang lại hy vọng cho gia đình các con tin khác bị giữ tại Dải Gaza.
[Xung đột Hamas-Israel: Lực lượng Hamas nêu điều kiện thả con tin]
Căng thẳng Israel-Hamas bùng phát từ ngày 7/10 với các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa hai bên và sau đó kéo theo cả căng thẳng ở biên giới giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban.
Sau 14 ngày xung đột, tổng cộng hơn 5.000 người thiệt mạng ở cả hai phía và nhiều người rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp.
Quân đội Israel (IDF) cùng ngày 20/10 thông báo hầu hết trong số khoảng 200 con tin bị lực lượng Hamas bắt cóc và đưa về Dải Gaza hiện còn sống.
Theo IDF, trong số đó có hơn 20 con tin là trẻ em và khoảng 10-20 con tin là người trên 60 tuổi.
Ngoài ra, còn có khoảng 100-200 người đang bị coi là mất tích kể từ khi xung đột nổ ra./.