Xung đột Hamas-Israel: Các nước tiếp tục thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza
Jordan đã điều 2 máy bay, trong khi Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Đức mỗi nước điều một máy bay tham gia thả hàng viện trợ xuống các khu vực ở phía Bắc Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 26/3, các lực lượng vũ trang Jordan phối hợp cùng 3 quốc gia khác đã tiến hành 5 đợt thả hàng viện trợ xuống các khu vực ở phía Bắc Dải Gaza.
Hãng thông tấn nhà nước Petra đưa tin Jordan đã điều 2 máy bay, trong khi Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Đức mỗi nước điều một máy bay tham gia hoạt động chung này.
Theo thông báo của quân đội Jordan, quốc gia Trung Đông này đang điều phối các nỗ lực quốc tế để cung cấp viện trợ lương thực cho những người Palestine bị ảnh hưởng bởi nạn đói trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas vẫn tiếp diễn ở Gaza.
Quân đội Jordan khẳng định sẽ tiếp tục gửi hàng viện trợ nhân đạo và y tế tới Dải Gaza, đồng thời nói thêm rằng Không quân Hoàng gia Jordan đã tiến hành 156 đợt thả dù mang theo hàng cứu trợ xuống Gaza, kể từ khi bắt đầu xung đột Israel-Hamas, trong đó 96 đợt được thực hiện có sự hợp tác với các nước khác.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant để thảo luận về tình hình ở Gaza. Phát biểu trong một cuộc họp tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng con số thương vong đối với dân thường tại Gaza là "quá cao" trong khi những đợt chuyển hàng viện trợ là "quá chậm."
Ông Austin cũng cho rằng Israel cần có những giải pháp khác liên quan đến hoạt động quân sự ở phía Nam Gaza, nhấn mạnh việc bảo vệ tính mạng cho người dân.
Trả lời báo giới sau cuộc gặp, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Israel Gallant đã cam kết giải quyết những vấn đề mà phía Mỹ nêu trong cuộc họp.
Trước đó, ngày 25/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không cử phái đoàn đến Washington theo kế hoạch, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.
Ông Netanyahu cho rằng động thái này của Mỹ thể hiện sự thay đổi trong lập trường của Washington, do đó sẽ ảnh hưởng đến Israel trong chiến dịch quân sự chống Hamas cũng như vấn đề để hơn 130 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza được trả tự do.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby đã bày tỏ rất thất vọng trước quyết định trên của Thủ tướng Israel, khẳng định việc Mỹ bỏ phiếu trắng "không phản ánh sự thay đổi lập trường" trong chính sách của Mỹ.
Ông Kirby cho biết giới chức cấp cao của Mỹ sẽ vẫn tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, người đang ở thăm Washington./.