Xung đột Hamas-Israel: Các hãng hàng không điểu chỉnh một số tuyến

Các hãng hàng không đang thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi làm thủ tục hành khách và tăng cường số chuyến bay trong ngày để hồi hương công dân Israel hay hỗ trợ những người muốn rời khỏi.

Sân bay Quốc tế Ben Gurion ngày 9/10. (Ảnh: Vũ Hội/TTXVN)

Trước tình hình nhiều đạn pháo từ phía Dải Gaza tiếp tục rơi vào các địa phương gần Sân bay Quốc tế Ben Gurion, Cơ quan quản lý Hàng không Dân dụng Israel đã yêu cầu các hãng hàng không đánh giá tình hình và nguy cơ an ninh hiện tại, đồng thời điều chỉnh hướng bay đối với một số tuyến ra vào Israel.

Sân bay Ben Gurion và các hãng hàng không đang thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi làm thủ tục hành khách và tăng cường số chuyến bay trong ngày để hồi hương công dân Israel hay hỗ trợ những người muốn rời khỏi.

Cuộc xung đột diễn ra gần biên giới tại Israel cũng là nơi các địa phương có nhiều lao động nước ngoài đang làm việc, bao gồm lao động từ các nước Thái Lan, Philippines, Nepal, Campuchia...

Xung đột khiến nhu cầu của người nước ngoài rời khu vực giao tranh tăng mạnh. Hiện đã có hàng nghìn lao động Thái Lan và Philippines muốn về nước sớm. Thái Lan thông báo đang phối hợp với nhiều bên khẩn trương thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn và sơ tán công dân nước này khỏi Israel.

Trong khi đó, Hungary thông báo đã tổ chức 2 chuyến bay sơ tán 215 công dân từ Israel. Ba Lan cho biết sẽ điều máy bay quân sự sơ tán công dân khỏi Israel.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller xác nhận ít nhất 9 công dân nước này thiệt mạng và nhiều người mất tích. Nhà chức trách Mỹ đang phối hợp với phía Israel để tìm kiếm những người mất tích.

Trong bối cảnh xung đột giữa Quân đội Israel và Lực lượng Hamas tại Dải Gaza vẫn diễn ra ác liệt, nhiều hãng hàng không quốc tế đã tạm dừng hoặc hạn chế số lượng chuyến bay tới và đi từ Israel.

Trong số các hãng hàng không hủy hoặc hoãn chuyến bay đến và đi từ Sân bay Quốc tế Ben Gurion (Israel) có American Airlines, United Airlines, Air France, Lufthansa, Emirates, Ryanair, EasyJet…

Trong ngày 9/10, Quân đội Israel đã tấn công 500 địa điểm của phong trào Hồi giáo Hamas và nhánh Hồi giáo Jihad kiểm soát trên Dải Gaza. Trong khi đó, bên lãnh thổ Israel, giao tranh giữa quân đội nước này và các tay súng Hamas vẫn diễn ra tại 7-8 địa điểm gần biên giới.

[Xung đột Hamas-Israel: Israel thông báo phong tỏa toàn bộ Dải Gaza]

Trong lúc căng thẳng leo thang ở phía Bắc Israel, quân đội nước này cho biết đã nhận được báo cáo về việc một số đối tượng nghi từ Liban xâm nhập.

Đài phát thanh quân đội của Israel nêu rõ vị trí phát hiện ở gần khu vực Adamit, đối diện các thị trấn biên giới Aalma El Chaeb và Zahajra của Liban. Theo đó, các binh sỹ Israel đã được triển khai tại khu vực này. Quân đội Israel tuyên bố được sự hỗ trợ của các trực thăng, lực lượng này đã tiêu diệt ít nhất 2 tay súng vượt biên từ Liban.

EU tạm dừng các khoản viện trợ phát triển cho Palestine

Sau khi xung đột giữa Lực lượng Hamas và Israel nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) quyết định tạm dừng các khoản viện trợ phát triển dành cho Palestine và xem xét lại khoản hỗ trợ 691 triệu euro (728 triệu USD).

Ủy viên Phụ trách Chính sách Mở rộng EU Oliver Varhelyi nêu rõ: "Mọi khoản thanh toán ngay lập tức bị đình chỉ. Toàn bộ các dự án đang được xem xét. Tất cả các đề xuất ngân sách mới, bao gồm cả năm 2023, đều bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới."

Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tương tự, Chính phủ Đức thông báo nước này sẽ tạm đình chỉ các khoản viện trợ phát triển đã được cam kết dành cho Palestine năm nay và năm sau, trong khi các khoản quỹ này đang được xem xét lại một cách toàn diện.

Trước đó, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức cam kết khoảng 125 triệu euro cho Palestine trong năm 2023 và 2024 theo chương trình hợp tác phát triển song phương.

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cũng tuyên bố sẽ đình chỉ khoản viện trợ với tổng trị giá khoảng 19 triệu euro cho một số dự án tại Palestine.

Italy cảnh báo rủi ro nguồn cung năng lượng

Bộ trưởng Kinh doanh và Sản xuất tại Italy Adolfo Urso cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ gây ra các vấn đề về nguồn cung năng lượng.

Phát biểu trên đài Rainnews24, Bộ trưởng Urso nói rằng xung đột giữa Lực lượng Hamas và Israel có nguy cơ gây ra các vấn đề khác như năng lượng. Điều tương tự xảy ra với khí đốt do xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ xảy ra lần nữa. Ông nói thêm rằng Italy cần xem xét đến quyền tự chủ năng lượng của đất nước.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) Phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn của ngoại trưởng các nước EU về tình hình tại Israel và trong khu vực vào ngày 10/10./.

Vũ Hội-Phạm Hà-Dương Hoa (TTXVN/Vietnam+)