Xuất khẩu thủy sản giảm: Kích hoạt toàn bộ máy, mở cửa thị trường
Bên cạnh tận dụng các hiệp định tự do thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chủ động đa dạn hóa sản phẩm, tích cực khai thác thị trường mới để bù đắp cho sự sụt giảm của các thị trường cũ.
Nếu như xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 có sự tăng trưởng đồng đều thì bức tranh xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 lại có những diễn biến trái ngược. Trong khi xuất khẩu thủy sản, lâm sản liên tục "lao dốc" thì gạo và rau quả lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực giảm sâu
Trong Báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa toàn cầu 2023 mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá cả hàng hoá toàn cầu sẽ giảm 21% so với năm 2022, mức giảm lớn nhất từ sau đại dịch. Dự báo này cũng đã phần nào thể hiện rất rõ khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực bắt đầu lao dốc mạnh.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 4 tháng đầu năm, nhiều ngành hàng từng là chủ lực, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu lại liên tục giảm sâu, chẳng hạn như xuất khẩu cá tra đạt 558 triệu USD, giảm 40%; tôm đạt 843 triệu USD, giảm 40%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD, giảm hơn 30%. Xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng ước đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022.
Con số của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy xuất khẩu thủy sản trong 4 đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022. Theo VASEP, thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này cũng hồi phục chậm hơn so với dự đoán.
Cùng với các mặt hàng thủy sản, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng liên tục tụt làm và chưa thể phục hồi. Theo số liệu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với tình trạng đơn hàng ở các thị trường lớn của doanh nghiệp như Mỹ, EU hay Hàn Quốc đều giảm tới hơn 20% trong những tháng vừa qua, trong đó, thị trường EU giảm tới 42,8%.
Lý giải cho sự tụt giảm này là bởi hiện nay Mỹ là đối tác thương mại rất lớn chỉ sau Trung Quốc nên những tác động do lạm phát, lãi suất cao diễn ra ở Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu của Việt Nam.
[Gạo Việt Nam rời khỏi mức cao nhất trong 2 năm do giao dịch trầm lắng]
Trong khi nhiều ngành hàng chủ lực đang sụt giảm và chưa có dấu hiệu sẽ phục hồi trong ngắn hạn, một số sản phẩm nông sản lại có sự tăng trưởng ấn tượng đã giúp cho giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chung đang dần được cải thiện. Giá trị xuất khẩu gạo vượt lên tăng trưởng cao nhất khi tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,56 tỷ USD, tiếp đến là rau quả đạt gần 1,4 tỷ, tăng 19,4%; thịt, phụ phẩm đạt 45 triệu USD, tăng 63,7%.
Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết sở dĩ gạo trở thành mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao nhất là do là tháng 4 giá gạo Việt Nam đã tăng mức cao nhất trong hai năm qua. Bên cạnh đó, những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông đang rất ưa các loại chuộng gạo chất lượng cao của Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu.
Đối với mặt hàng rau quả cũng đang đà tăng trưởng mạnh, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh gồm: Thanh long, sầu riêng, xoài, mít... và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi trong quý 2/2023.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường Trung Quốc. Từ tháng 4 trở đi, sầu riêng miền Tây bước vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng. Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo rau xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam năm 2023 đạt 4 tỷ USD, trong đó riêng sầu riêng có thể đạt khoảng 1 tỷ USD.
Kích hoạt bộ máy, mở cửa thị trường
Sau khi lập kỷ lục đạt 53,2 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào năm 2022, xuất khẩu 4 tháng đầu năm liên tiếp lao dốc mạnh. Để thực hiện được mục tiêu cán đích xuất khẩu 54 tỷ USD năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh các cơ quan trong bộ cần tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kích hoạt toàn bộ bộ máy, mở cửa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hơn nữa.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục tận dụng tối đa các hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chủ lực sang thị trường lớn, như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… để khơi thông thị trường. Bên cạnh đó, đơn vị này đang chuẩn bị cho hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam-Trung Quốc trong quý 2 và quý 3/2023, tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Anh…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường để tìm hướng đi riêng cho sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm.
Đặc biệt, để hỗ trợ ngành lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông-ngư dân.
Đối với vấn đề tín dụng và lãi suất, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1/2023; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.../.