Xử lý nghiêm hành vi né tránh giám định tài sản trong vụ án tham nhũng

Đoàn Kiểm tra số 5 đã công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 19/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng đoàn kiểm tra số 5, chủ trì Hội nghị công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra số 5 tại Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn kiểm tra số 5 đã tiến hành kiểm tra 2 nội dung: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (tại 6 cơ quan, đơn vị từ ngày 8-17/6); việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế, tiêu cực (tại 4 đơn vị từ ngày 8-20/6).

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 10 năm (từ năm 2011-2021), Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo thiết lập và công khai các đường dây nóng để nắm bắt nguồn tin, tiếp nhận đơn, thư phản ánh, kiến nghị… của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực.

Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện nghiêm nội dung “đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm hoặc đột xuất nhằm phát hiện, xử lý nghiêm và công khai, tăng cường răn đe, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng tham nhũng vặt.”

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ đã triển khai thực hiện 1.058 cuộc thanh tra đối với 8.103 tổ chức; xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.627 tổ chức với tổng số tiền là l.253,552 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 124,734 tỷ đồng, thu hồi 117 giấy phép, 384,3ha đất, buộc tổ chức vi phạm bồi thường cho người dân bị thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng.

Thanh tra chuyên ngành 847 cuộc đối với 7.364 tổ chức, cá nhân; kết quả xử lý vi phạm hành chính 1.563 tổ chức, cá nhân; xử phạt 370,697 tỷ đồng và thu hồi 384,3ha đất.

Đơn vị đã tiếp nhận 39.741 đơn, thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết 424/467 đơn, thư thuộc thẩm quyền; tiếp nhận 53 nguồn tin có liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đã hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2015 đến 2021 đã tiếp nhận 8.558 thông tin phản ánh qua đường dây nóng, đã xử lý 1.554 thông tin theo quy định.

[Làm thế nào để thu hồi hết tài sản do tham nhũng, hối lộ?]

Bên cạnh đó, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo bộ cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giám định, định giá tài sản; chủ động đóng góp nhiều ý kiến với các bộ, ngành chức năng để hoàn thiện cơ chế pháp luật có liên quan về giám định tư pháp, định giá tài sản thuộc lĩnh vực quản lý, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, những “khoảng trống” trong công tác giám định tư pháp, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Ban Cán sự đảng, lãnh đạo bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trưng cầu giám định, định giá trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng giám định, định giá; bổ nhiệm giám định viên, công bố tổ chức, cá nhân giám định tư pháp theo vụ việc, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác giám định, định giá tài sản, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, như nội dung công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm còn hạn chế; chưa đưa nội dung này vào chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra hằng năm.

Về công tác giám định, định giá tài sản cũng còn gặp một số khó khăn. Việc phối hợp trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ, tài liệu giữa cơ quan trưng cầu giám định, yêu cầu định giá với cơ quan thực hiện giám định, định giá trong một số vụ việc chưa kịp thời, nhất là trong cùng một thời điểm phải thực hiện giám định nhiều vụ việc.

Việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu từ các cơ quan, tổ chức có liên quan khác trong một số trường hợp thiếu phối hợp, thậm chí từ chối cung cấp hoặc trả lời chậm…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua; đồng thời ghi nhận sự phối hợp hiệu quả, tích cực của Ban Cán sự đảng và các đơn vị thuộc diện kiểm tra trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu và có báo cáo, giải trình cụ thể theo yêu cầu, góp phần tạo điều kiện để Đoàn kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nêu một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận các ý kiến hoàn thiện dự thảo; đồng thời nhấn mạnh sẽ xem xét các kiến nghị, đề xuất để có kết luận phù hợp, chính xác, làm cơ sở hoàn thiện dự thảo báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Mặt khác, Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc khắc phục một số tồn tại, hạn chế, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; làm tốt hơn nữa việc phát hiện, giải quyết nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; góp phần tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác này.

Về công tác giám định, định giá tài sản, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác giám định, định giá tài sản; xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc kéo dài trong thực hiện các quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá, nhất là đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đơn vị cũng cần xử lý nghiêm các hành vi né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá, từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, cố tình ban hành kết luận không đúng; tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giám định, định giá, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc, kịp thời báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo khi cần thiết.

Thay mặt Ban Cán sự đảng và các đơn vị được kiểm tra, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm rõ thêm một số nội dung kiến nghị của đoàn, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại hội nghị và kết luận của trưởng đoàn kiểm tra để đưa vào chương trình hoạt động của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới./.

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)