Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Từ chủ trương đến hành động

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM được thể hiện bằng công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.

Trang trọng nghi thức tuyên thệ của đảng viên mới trong lễ kết nạp đảng viên tổ chức tại Khu di tích lưu niệm Hồ Chí Minh, số 5 Châu Văn Liêm, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi Bác dừng chân trước khi lên đường đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Từ khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 được thông qua, phong trào xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ tại thành phố.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã từng bước thấm vào suy nghĩ, hành động của các đảng viên, đoàn viên, hội viên cũng như quần chúng nhân dân. Với nhiều hình thức khác nhau, cách thể hiện khác nhau, văn hóa Hồ Chí Minh đã được lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.

Nhiều cách làm hay

Tại các trường học, các không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng trở thành những hiện thực sinh động, lôi cuốn, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Mới đây, học sinh lớp 11 chuyên Văn, Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa đã được giáo viên môn Văn giao thực hiện dự án với yêu cầu trình bày bài học từ việc tìm hiểu về Bác thông qua các tư liệu được trưng bày tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Em Lê Huỳnh Bảo Trân, học sinh lớp 11 chuyên Văn chia sẻ: "Em đã đọc rất nhiều cuốn sách về Bác, trong đó những mẩu chuyện đời thường về Bác Hồ đã truyền cảm hứng cho em, giúp chúng em có thêm nhiều bài học trong cuộc sống. Điều em tâm đắc nhất là tinh thần ham học hỏi của Bác."

Bảo Trân đã đưa câu chuyện về việc học ngoại ngữ của Bác vào bài thu hoạch dự án. “Suốt hành trình ra đi tìm đường cứu nước, khi làm việc trên tàu, mỗi ngày Bác đều học từ ngôn ngữ mới. Bác ghi lên tay hay mảnh giấy các từ mới để có thể vừa làm việc vừa học. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Bác vẫn học được thì trong điều kiện tốt như hiện nay, chúng em phải cố gắng hơn nữa để học thật tốt,” Bảo Trân chia sẻ.

Tại Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt tại thư viện của trường. Tại đây trưng bày các cuốn sách, tư liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác cũng như những tác phẩm của Bác.

Không chỉ là nơi để giáo viên, học sinh tìm kiếm tư liệu về Bác, đây còn là không gian học tập thường xuyên của thầy trò nhà trường.

Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ không gian văn hóa Hồ Chí Minh tạo nguồn sáng tạo mới cho nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Việc triển khai không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi trường.

Các tổ bộ môn như Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân, tổ chức Đoàn-Đội trực tiếp triển khai các hoạt động gắn liền với không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong hoạt động giáo dục. Việc hiểu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác sẽ tạo động lực để giáo viên, học sinh học tập và rèn luyện theo gương Bác.

Trong khi đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Trung học Phổ thông Đào Sơn Tây (thành phố Thủ Đức), các tư liệu được sắp xếp theo các giai đoạn lịch sử gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác.

Trên các tài liệu, hình ảnh đều có mã QR gắn với các link thông tin trên internet để học sinh có thể tìm hiểu sâu hơn. Nhà trường cũng bố trí các thiết bị dạy học tại đây để có thể tổ chức các tiết học.

[TP.HCM: Biểu dương các điển hình học tập và làm theo Bác Hồ]

Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trung học Phổ thông Đào Sơn Tây cho biết ngoài những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác đang được trưng bày, nhà trường còn đang xây dựng thêm chủ đề về tầm ảnh hưởng của Người với mảnh đất Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ đây là địa phương duy nhất được mang tên Người nên dấu ấn của Bác là rất lớn.

Cùng với tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn là không gian dạy-học thường xuyên với môn Giáo dục địa phương, Lịch sử, Giáo dục công dân.

Tương tự, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những cách làm đa dạng, phong phú khác nhau.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai và đưa vào sử dụng không gian văn hóa Hồ Chí Minh “Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm theo lời Bác” theo hình thức trực tuyến với 3 mảng nội dung chính là “Hành trình theo chân Bác," “Văn hóa-Nghệ thuật Hồ Chí Minh” và “Học tập và làm theo lời Bác” được cụ thể hóa từ ý tưởng kiến tạo một không gian văn hóa trực tuyến về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang những đặc trưng của Nhà trường sư phạm, góp phần bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp của những thầy cô giáo tương lai.

Chọn một hướng đi khác, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) đã quyết định liên kết với phường Hiệp Phú, Thành phố Thủ Đức để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trung tâm học tập cộng đồng của địa phương. Đây là một thiết chế văn hóa quan trọng, là sản phẩm hợp tác giữa trường học và địa bàn dân cư, giúp nhân dân địa phương có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đông đảo các giới hưởng ứng

Nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh độc đáo được hình thành khắp nơi từ các cơ sở tôn giáo, trường học, bệnh viện, các cơ quan nhà nước, tổ chức.

Một trong những cơ sở tôn giáo xây dựng được không gian văn hóa Hồ Chí Minh là chùa Thiên Tôn - cơ sở Phật giáo tại khu vực có nhiều đồng bào người Hoa tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thượng tọa Thích Truyền Cường, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 5 cho rằng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại chùa Thiên Tôn cũng như các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận 5 là việc làm vô cùng ý nghĩa và thiết thực thực hành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Phật giáo, giúp lan tỏa rộng rãi tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong đời sống của tăng, ni, phật tử và nhân dân trên địa bàn.

Tình cảm đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh của người dân thành phố thể hiện trong Lễ hội Nguyên tiêu của đồng bào người Hoa, quận 5. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thượng tọa Thích Truyền Cường chia sẻ không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, đồng thời lan tỏa tinh thần đồng bào tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc mà Bác đã gửi gắm vào các thế hệ mai sau, qua đó giúp tăng, ni, phật tử ngày càng nhận thức rõ hơn lợi ích của quốc gia, dân tộc, luôn gắn bó thiết thực với lợi ích của tôn giáo, từ đó thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các cơ sở tôn giáo đã có nhiều hình thức sáng tạo trong việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể, gắn với văn hóa tôn chỉ mục đích hành đạo theo hướng gắn bó với dân tộc, phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước, tạo được sự đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng và các tôn giáo khác.

Ông Thái Lân Thanh, đại diện Ban Cai quản Thánh thất Cao Đài Sài Gòn, quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thánh thất giúp Ban Cai quản cùng các chức việc, đồng đạo nhắc nhở nhau cùng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội giúp khó, trợ nghèo, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động.

Đây cũng là cơ hội để Ban Cai quản tiếp tục trao đổi, học hỏi kinh nghiệm ngoài giáo lý Đại đồng, thương yêu của Đạo, cùng nhau học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để mỗi đồng đạo họ đạo Cao Đài Sài Gòn luôn giữ vững lập trường tu hành thuần túy, thể hiện lòng bác ái thương yêu, thực thi nhân nghĩa.

Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những cách làm hay của hệ thống Mặt trận là vận động 94 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian bước đầu hình thành các thiết chế văn hóa Hồ Chí Minh như Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin Lành, Hồi giáo, Hội quán đồng bào Hoa, Đình Miếu...

Ngoài ra, Mặt trận cơ sở cũng vận động và phối hợp để xây dựng các thiết chế văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường học, các doanh nghiệp, bệnh viện…

Các đơn vị cũng chú trọng tuyên truyền về giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên không gian mạng, tiêu biểu như Mặt trận Thành phố phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố thực hiện Chương trình “Điều giản dị” nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phát sóng trên khung giờ chương trình “Học Bác hôm nay” và trên trang cộng đồng “Tuyên giáo Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh” với chủ đề về Vẻ đẹp của sự giản dị, Lấy dân làm gốc, Xây dựng gia đình hạnh phúc, Con người thời đại mới...

Tại quận Phú Nhuận, để thanh, thiếu nhi đến gần hơn với Bác, Quận đoàn Phú Nhuận xây dựng công trình "không gian Bác Hồ với thiếu nhi."

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận đoàn Phú Nhuận Ngô Hải Yến, công trình được xây dựng với các hạng mục lớn, như khu vực tái hiện thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ thông qua hệ thống tư liệu hình ảnh, tranh, infographic. Nơi đây còn trưng bày nhiều tư liệu hình ảnh thể hiện tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn viên, thanh niên, đội viên, thiếu nhi và tác phẩm sách, báo, truyện về Bác Hồ.

Để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Quận ủy quận 1 đã lãnh đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo, linh hoạt phù hợp thực tiễn mỗi cơ quan, đơn vị, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện các mô hình tiêu biểu, như vận động 100% gia đình đảng viên có tủ sách và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mô hình này không chỉ góp phần đưa hình ảnh của Người đi vào không gian sống hằng ngày của mỗi gia đình và cả cộng đồng mà còn mang ý nghĩa học tập suốt đời và hưởng ứng văn hóa đọc, hướng tới một xã hội tốt đẹp.

Trong khi đó, quận 7 lại tập trung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng kết nối Internet, giới thiệu đến khán giả, người tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh về thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Bác bằng các ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Hàn Quốc qua những đoạn phim, bài hát, hình ảnh, đồng thời cung cấp “Bảo tàng Hồ Chí Minh” dưới dạng 3D để người xem tham khảo. Hiện ứng dụng đã được giới thiệu rộng rãi đến từng tổ dân phố, chung cư, khu dân cư trên địa bàn và ngày càng lan tỏa rộng hơn.

Có thể nói, việc triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố đã được thể hiện bằng công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc chuẩn hóa, đa dạng hóa giáo dục đạo đức, văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, con người Thành phố Hồ Chí Minhm qua đó, từng bước phấn đấu mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học… đều là không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ./.

Đón đọc bài 3: Để giá trị tư tưởng của Bác luôn hiện hữu trong cuộc sống

Bài 1: Xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng tầm vóc và ý nghĩa

Xuân Khu-Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)