Xây dựng không gian văn hóa HCM: Từ chủ trương đến hành động
Theo nhiều nhà nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn, phổ biến giá trị tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh cần phải được thẩm thấu vào từng địa bàn dân cư, mỗi gia đình, từng người dân của thành phố mang tên Bác.
Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự có giá trị bền vững, ngày càng phát triển tại thành phố mang tên Bác, các tầng lớp nhân dân cũng như mỗi người đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố có vai trò rất quan trọng, đưa các giá trị văn hóa, tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày.
Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa Hồ Chí Minh
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, do đó cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, của tất cả các hộ gia đình, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn, phổ biến giá trị tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh cần phải được thẩm thấu vào từng địa bàn dân cư, mỗi gia đình, từng người dân của thành phố. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, kết hợp với công tác quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng đô thị văn minh hiện đại và sinh tái tạo không gian sống trong lành cho người dân.
Đồng thời, mở rộng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến tận khu phố, mỗi gia đình, từng người dân. Phát huy tính tự quản của các cộng đồng dân cư, mỗi khu phố là một không gian văn hóa; mỗi gia đình là một đơn vị văn hóa; xây dựng lối sống lãnh mạnh, giản dị, tiết kiệm; duy trì thói quen tập luyện thể thao; chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên.
“Mỗi người dân là một thành tố văn hóa, là công dân gương mẫu, học và làm theo Bác từ những điều giản dị nhất: suy nghĩ tích cực; hành vi văn hóa, nói năng chuẩn mực, hành động nhân văn," bà Phạm Phương Thảo chia sẻ.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có nội hàm rất sâu, rất rộng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải thay đổi từ trong tư duy, nhận thức để đi vào thực chất, cốt lõi của vấn đề, thực hành những hành động thiết thực, văn hóa và có giá trị.
Thành phố xác định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững, như vậy phát triển văn hóa-xã hội phải đồng bộ với phát triển kinh tế.
Trong bước tiến đó, phải lan tỏa việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong cộng đồng dân cư, với phương châm tất cả người dân thành phố là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đồng thời mỗi người dân là đại sứ thương hiệu của không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không ai khác, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và từng người người dân thành phố cần tiếp tục thực hành văn hóa Hồ Chí Minh dưới nhiều hình thức sáng tạo và hiệu quả, để giá trị văn hóa của Người sống mãi trong mỗi trái tim, khối óc chúng ta.
Từ thực tiễn tại địa phương, bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1 chia sẻ các mô hình triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã thật sự góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên tại địa phương, đơn vị. Điều này tạo được chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị theo tấm gương của Bác, nâng cao tính nhân văn, công tâm, trí tuệ và khách quan, mang lại những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
[Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh để 'Đảng mạnh,' 'dân tin']
Thạc sỹ Nguyễn Minh Hải, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng như nhiều chủ trương, hoạt động khác, với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, sự tham gia của cán bộ, đảng viên đều rất cụ thể, thiết thực; tức là trong điều kiện của mỗi người, chúng ta đều có thể có đóng góp phần nào vào việc xây dựng các không gian văn hóa vật thể và không gian văn hóa phi vật thể.
Theo thạc sỹ Nguyễn Minh Hải, không gian văn hóa phi vật thể có thể coi là “hồn cốt” của các giá trị Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong việc chăm lo, phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên thực sự có trách nhiệm.
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống từ cơ quan cho đến nơi cư trú với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đảng viên phải thể hiện rõ năng suất và hiệu quả làm việc, phải xung phong nhận các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, tích cực đề ra các giải pháp mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác; luôn thể hiện tinh thần, thái độ “vì nhân dân phục vụ” trong khi thi hành công vụ; không hách dịch, quan cách, nhũng nhiễu...
Theo bà Phạm Phương Thảo, cán bộ, công chức của thành phố cần lan tỏa văn hóa giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và thực hiện đúng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Cán bộ, đảng viên phải chủ động, tích cực tham gia xây dựng không gian văn hóa ở cả khía cạnh vật chất lẫn phi vật chất, bởi không thể có không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng nghĩa nếu chỉ có các công trình, vật thể mà người dân không thấy được các yếu tố văn hóa, văn minh, đạo đức rõ nét trong cán bộ, đảng viên.
Như vậy, việc học tập và làm theo gương Bác một cách tốt nhất chính là đã tham gia tích cực vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở từng địa phương, đơn vị. Từ cán bộ, đảng viên có thể lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân để mọi người cùng tham gia xây dựng không gian văn hóa đặc sắc này như là một cách để cùng nhau thực hiện một chủ trương lớn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và bản thân.
Theo thạc sỹ Nguyễn Minh Hải, mỗi tổ chức cơ sở đảng phải thật sự là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ; mỗi cán bộ, đảng viên phải là hình ảnh cụ thể nhất, minh chứng cho sự truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp.
"Ngoài những chuẩn mực chung của người cán bộ, đảng viên thì mỗi người trên cương vị công tác của mình, mỗi việc làm và hành động trong công việc và cuộc sống cũng phải tiêu biểu cho sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ như vậy, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mới thực chất, có giá trị bền vững, mới trở thành sức mạnh nội sinh, tạo ra sự phát triển chung của thành phố, thạc sỹ Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh./.
Đón đọc bài 4: Xứng đáng với tầm vóc thành phố mang tên Bác Hồ
Bài 1: Xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng tầm vóc và ý nghĩa
Bài 2: Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Những cách làm hay