Xây dựng Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân cần xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thành phố đáng sống và thân thiện.
Tại lễ kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804-2024) và 70 năm ngày giải phóng thành phố Hải dương (30/10/1954-30/10/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân cần xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thành phố đáng sống và thân thiện.
Buổi lễ do Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Dương tổ chức vào ngày 18/10.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện lãnh đạo và nguyên lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố bạn và đông đảo người dân dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố tiếp tục phát huy vai trò, vị thế “đầu tàu,” “hạt nhân,” “động lực” của thành phố Hải Dương quá trình trình xây dựng và phát triển của tỉnh Hải Dương. Chú trọng xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Thành phố Hải Dương cần tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, thân thiện của người Thành Đông, quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo sự phát triển chung cho tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, thu hút đầu tư; xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, kinh tế phát triển, thành phố đáng sống, thân thiện.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Dương thực hiện đồng bộ quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để mở rộng không gian đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường và hệ thống các trung tâm lớn như: trung tâm hành chính, trung tâm thể dục thể thao, công viên cây xanh, dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí cho người dân, khách du lịch, khu vực sản xuất công nghiệp...
Thành phố cũng cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy mô dân số, đất đai và định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch cấp quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng kêu gọi sự chung tay, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, kết nối giao thương vì sự phát triển của thành phố Hải Dương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long, được khởi lập từ năm 1804, Thành Đông xưa - thành phố Hải Dương ngày nay là đô thị nằm trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, gắn với quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng.
Tính từ khi khởi lập đến nay, thành phố Hải Dương là trái tim của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh dưỡng, hội tụ nhiều danh nhân, quê hương của các anh hùng từ thời khởi dựng nền tự chủ của đất nước đến những con người cộng sản kiên trung như: danh tướng Đinh Văn Tả, Tiến sỹ nho học Nguyễn Trác Luân; những chiến sỹ cộng sản mẫu mực, kiên cường đã trọn đời cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, cho cách mạng như: Đỗ Ngọc Du, Hồng Quang, Nguyễn Thượng Mẫn, Đỗ Văn Thanh, Lê Đình Vũ, Phạm Ngọc Khánh, Phạm Xuân Huân, Đặng Quốc Chinh, Mạc Thị Bưởi…
Ngày 30/10/1954, thị xã Hải Dương được hoàn toàn giải phóng; kể từ ngày đó; Hải Dương tham gia cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, khôi phục và phát triển kinh tế.
Cùng với các danh hiệu cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, trong 70 năm xây dựng và phát triển, thành phố Hải Dương cũng đã rất vinh dự được 4 lần đón Bác về thăm và căn dặn “Phải cố gắng tiến bộ.”
Trong vòng hơn 20 năm, từ 1997 đến 2019, thành phố Hải Dương đã 3 lần được nâng loại đô thị (Năm 1997, được công nhận là đô thị loại III; năm 2009 là đô thị loại II; năm 2019 trở thành 1 trong hơn 20 đô thị loại I của cả nước); địa giới hành chính của thành phố từng bước được mở rộng.
Từ một "Thị xã nhỏ bé, khó khăn" đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một thành phố phát triển năng động, một đô thị có hạ tầng tương đối đồng bộ, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh, có hoạt động kinh tế sôi động, đời sống nhân dân ở mức cao.
Sau 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm giải phóng thành phố, từ một Thành Đông xưa chỉ có diện tích chưa đầy nửa km2 , với dân số chưa đến 1.000 người, thì nay, thành phố Hải Dương đã phát triển với diện tích hơn 110km2, dân số hơn 300.000 người.
Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ đạt 200 tỷ thì nay đạt trên 120.000 tỷ, gấp 600 lần; giá trị sản xuất nông nghiệp là 63 tỷ đồng thì nay đạt 1.400 tỷ, gấp 22 lần.
Những năm gần đây, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế thương mại trên 14%, cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp.
Hiện nay, thành phố đã có 3 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 2.9 triệu đồng/người/năm, thì nay đạt 80 triệu đồng/người/năm, gấp 28 lần.
Từ khi được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị thành phố không ngừng được đầu tư, phát triển thông qua nhiều dự án xây dựng đô thị mới với diện tích quỹ đất quy hoạch phát triển mới đô thị lên tới 1.200ha, quỹ đất ở mới gần 400ha.
Cùng với đó, nhiều công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao được làm mới, nâng cấp; đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Thành phố cũng luôn chú trọng và làm tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân; riêng tỷ lệ hộ nghèo thành phố theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia chỉ còn khoảng 0,8%.
Từ Chi bộ đầu tiên thành lập năm 1938 chỉ có 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ thành phố có trên 19.000 đảng viên sinh hoạt ở 69 tổ chức cơ sở Đảng.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng 5 “rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm), ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị với phương châm “Đảng nói-dân tin,” “Mặt trận, đoàn thể vận động-dân theo,” “Chính quyền làm-dân ủng hộ” đã không ngừng củng cố niềm tin, phát huy sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố./.