Xây dựng chế độ thai sản đa tầng để lấp "khoảng trống" về chính sách
Chuyên gia của ILO đề xuất Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng chế độ trợ cấp thai sản đa tầng để giúp tất cả phụ nữ được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ.
Chế độ thai sản có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ trước những rủi ro về mất thu nhập và sức khỏe từ việc mang thai và sinh con. Thế nhưng, có tới 60% phụ nữ Việt Nam khi sinh con không được hưởng các chính sách thai sản.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ tại Việt Nam" do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội.
Khoảng trống trong chính sách thai sản
Tại Việt Nam, có hai chính sách thai sản đang được áp dụng gồm chế độ thai sản đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội và chế độ thai sản chi trả từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP.
Theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người.
[Mở rộng chế độ thai sản để đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ em]
Thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, từ thời điểm tháng 6/201-30/9/2021, 53 tỉnh, thành phố đã chi hơn 152 tỷ đồng cho hơn 76.000 người, trong đó có 1.392 người đã nhận tiền nhưng vi phạm chính sách chính sách dân số do sinh thêm con nên bị thu hồi tiền hỗ trợ. Từ tháng 10/2021 đến 30/9/2022, có 43 tỉnh, thành phố chi hỗ trợ cho 6.415 người, với kinh phí tương ứng là hơn 12,8 tỷ đồng, trong đó có 297 người đã nhận tiền nhưng vi phạm chính sách do sinh thêm con nên bị thu hồi số tiền đã nhận.
Đối với chính sách thai sản của lao động tham gia bảo hiểm xã hội, các chuyên gia quốc tế đánh giá chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những hệ thống "hào phóng" nhất trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, chính sách này mới chỉ áp dụng với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chứ chưa được áp dụng với lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện nay, chính sách nghỉ và trợ cấp thai sản có sự khác nhau đáng kể. Phụ nữ không thuộc phạm vi điều chính của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm cả lao động phi chính thức thường không được tiếp cận với chính sách thai sản.
Dẫn chứng các số liệu thực tế, bà Đào Thị Minh Phương, Phó Ban Chính sách luật pháp luật (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) cho biết diện bao phủ thực tế chế độ trợ cấp thai sản ở Việt Nam năm 2021 mới chỉ chiếm gần 40% số phụ nữ sinh con. Trong hơn 1,5 triệu phụ nữ sinh con năm 2021, có khoảng hơn 14.700 phụ nữ được nhận trợ cấp thai sản theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, hơn 600.000 phụ nữ được nhận trợ cấp theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo bà Phương, đáng chú ý, có tới 22 tỉnh, thành phố có trên 80% phụ nữ sinh con, nhận con nuôi không được hưởng chế độ trợ cấp thai sản. Những số liệu này cho thấy khoảng trống trong chính sách thai sản.
Xây dựng chế độ trợ cấp thai sản đa tầng
Chia sẻ về tiêu chuẩn an sinh xã hội quốc tế về bảo vệ thai sản, ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình an sinh xã hội của ILO lưu ý quyền được hưởng trợ cấp thai sản đối với phụ nữ hướng tới mục tiêu là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho bà mẹ và trẻ em, bảo vệ phụ nữ trước tình trạng dễ tổn thương về mặt kinh tế gây ra bởi những rủi ro mất thu nhập và sức khỏe từ việc mang thai và sinh con.
Theo ông Andre Gama, bảo vệ thai sản gồm bảo trợ việc làm, không phân biệt đối xử khi phụ nữ nghỉ thai sản; có trợ cấp tiền mặt và y tế cho người mẹ trong thời gian cho con bú; đồng thời, bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc cho phụ nữ khi trở lại làm việc sau thời kỳ nghỉ thai sản…
Ông Nguyễn Hải Đạt, chuyên gia của Văn phòng ILO tại Hà Nội kiến nghị xây dựng chế độ trợ cấp thai sản đa tầng để giúp tất cả phụ nữ tại Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ.
Theo đó, trợ cấp tầng 1 (do ngân sách Nhà nước chi trả) cho tất cả những người không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo thu nhập cơ bản cho các bà mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vẫn được bảo vệ. Trợ cấp tầng 2 (do quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước) sẽ giúp thay thế thu nhập bị mất của các cha mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, điều này sẽ góp phần kết nối chính sách an sinh xã hội với các chính sách về kinh tế, việc làm, dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Khi đối mặt với nghèo đói hoặc khó khăn về tài chính, phụ nữ có thể không nghỉ thai sản hoặc đi làm lại sớm hơn so với thời gian được khuyến khích về mặt y tế. Bằng cách giúp bảo vệ việc làm và bảo đảm thu nhập của phụ nữ trong và sau khi sinh con, bảo vệ thai sản bảo đảm rằng vai trò sinh sản của phụ nữ không làm tổn hại đến cơ hội bình đẳng cũng như an ninh kinh tế và gia đình của họ”.
Bà Caroline Nyamayemobe cũng lưu ý nếu không có thu nhập thay thế thông qua trợ cấp tiền thai sản, việc phụ nữ phải nghỉ làm và chi tiêu gia tăng do mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em sẽ gây khó khăn về tài chính cho hầu hết các gia đình./.