WPC đánh giá cao chính sách của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Ông Iraklis Tsavdaridis cho biết có niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam luôn chú trọng về quyền con người và việc bảo vệ quyền con người.

Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) Iraklis Tsavdaridis phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu bên lề khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) Iraklis Tsavdaridis đã có những đánh giá về chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Ông Iraklis Tsavdaridis cho biết có niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam, đang trong thời điểm chuẩn bị tổ chức kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn vào năm 2025, luôn chú trọng về quyền con người và việc bảo vệ quyền con người.

Trước hết là quyền được sống trong hòa bình, quyền được hưởng phúc lợi, quyền được sống sung túc, quyền được cải thiện từng ngày về điều kiện sống. Điều này có thể thấy rõ qua việc Việt Nam đã đẩy lùi tình trạng đói nghèo cùng cực trong quá khứ.

Theo ông Tsavdaridis, tới ngày hôm nay, đó là những thành tựu lớn nhất trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang cải thiện thứ hạng nhanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, bấp chấp việc còn gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Ông nhấn mạnh: "Với tư cách thành viên Hội đồng Hòa bình Thế giới, chúng tôi ủng hộ quyền của người dân Việt Nam được lựa chọn con đường phát triển và cải thiện của họ. Đó là lý do chúng tôi tới đây (tham dự phiên họp thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam), để ủng hộ và bày tỏ sự đoàn kết với Việt Nam, một quốc gia kiên cường, cũng như mong muốn được chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển đất nước, đảm bảo ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân.”

Phiên họp về việc thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam thu hút sự quan tâm, đăng ký tham dự của khoảng 90 đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) có quy chế tư vấn với Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), trong đó có các tổ chức NGO của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), cho biết: “Vấn đề Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là vấn đề quan tâm chung của các quốc gia hiện nay vì đó là một trong những trụ cột đảm bảo sự phát triển bền vững. Như trong phần phát biểu chia sẻ của mình, tôi đã nói rõ những nỗ lực của chính phủ trong thúc đẩy bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trẻ em như 1 vấn đề xuyên suốt, cũng như tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ tham gia, đóng góp vào thúc đẩy bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ. Trung tâm phụ nữ và phát triển là tổ chức trực thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ phụ nữ trong phát triển toàn diện. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm xóa đói giảm nghèo và tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia. Các hoạt động của hội góp phần tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển mà Việt Nam tham gia. Gần đây, CWD đã được mời tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới, cũng như tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống Mua bán người sửa đổi, dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tới đây… Đặc biệt, CWD hiện đang vận hành và nhân rộng mô hình nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán trở về với gói dịch vụ khẩn cấp, thiết yếu và toàn diện nhằm giúp họ hòa nhập xã hội một cách bền vững.”

Bà Dương Thị Nga, Đại diện Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Trong khi đó, bà Dương Thị Nga-đại diện của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam-cho biết đơn vị này chú trọng tới giáo dục và trang bị kiến thức cho người dân về quyền con người, nâng cao nhận thức của xã hội, giúp cho các nhóm đối tượng khác nhau có thể thực hành quyền của mình.

Bà khẳng định: “Qua các chu kỳ UPR, chúng tôi nhận thấy có sự phối hợp và tạo điều kiện cởi mở của các bộ ngành liên quan. Chúng tôi có những kênh thông tin, cùng cơ chế để phát huy vai trò của mình tại các diễn đàn quan trọng, ví dụ như tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Đặc biệt, về tiến trình đánh giá thành tựu nhân quyền của Việt Nam, chúng tôi không chỉ tham gia khóa họp tại Geneva, mà còn cả một quá trình dài được tham gia các cuộc tham vấn của chính phủ, cũng như là tham vấn các nhóm đối tượng, hay nội dung nghiên cứu. Tôi cho rằng chu kỳ IV lần này là cơ hội để các tổ chức xã hội nói chung, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam nói riêng, đóng góp thiết thực cho tiến trình chung”./.