World Cup 2022: Nhìn lại lượt trận đầu tiên của vòng bảng
Lượt trận đầu tiên của World Cup 2022 gần tiệm cận kỷ lục về các cuộc tranh tài bất phân thắng bại không bàn thắng tại một kỳ giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Với 4 trận hòa có tỷ số 0-0, lượt trận đầu tiên của World Cup 2022 gần tiệm cận kỷ lục về các cuộc tranh tài bất phân thắng bại không bàn thắng tại một kỳ giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Trong khi đó, khu vực châu Phi và CONCACAF cũng gây thất vọng lớn, khi tất cả các đại diện của họ không thắng.
Trong số 16 trận đấu của lượt trận thứ nhất vòng bảng World Cup 2022, những trận đấu có tỷ số 0-0 là cuộc đối đầu giữa Mexico-Ba Lan, Đan Mạch-Tunisia, Croatia-Maroc và Hàn Quốc-Uruguay.
Tại thời điểm này, kỷ lục về các trận hòa không bàn thắng ở một kỳ World Cup hiện là 7 trận, từng thiết lập ở các kỳ giải năm 1982, 2006, 2010 và 2014. Giải đấu gần nhất tại Nga năm 2018 chỉ có một trận kết thúc với tỷ số hòa 0-0, là cuộc so tài giữa Đan Mạch và Pháp.
Các kỳ World Cup năm 1930, 1934, 1938, 1950 hay 1954 thậm chí còn không có trận đấu nào vắng bóng bàn thắng.
Tại World Cup 2022, các đại diện châu Phi đã "góp công" lớn tạo nên kết quả nhàm chàn trên. Tuy hai pha lập công của Ghana vào lưới đội tuyển Bồ Đào Nha ngày 24/11 đã chấm dứt cơn khô hạn bàn thắng của các đội bóng châu Phi, nhưng chưa có đội nào trong số 5 đại diện của châu lục này giành chiến thắng tại Qatar.
Tại World Cup 2018, dù Senegal thắng lợi ngay trong trận ra quân, nhưng cả 5 đại diện của châu Phi vẫn bị loại ngay từ vòng bảng. Do đó, ở giải năm nay, cơ hội để đại diện của "Lục địa Đen" góp mặt ở vòng 1/8 được xem là rất khó khăn. Lần gần nhất họ làm được điều này là World Cup 2014, với kỳ tích của Nigeria và Algeria.
[Đội tuyển Hàn Quốc và hiệu quả của "bức tường thép họ Kim"]
Tương tự, cả 4 đại diện của khu vực CONCACAF cũng chưa được nếm men say chiến thắng trong lượt trận đầu tiên của World Cup 2022. Ngay cả đội tuyển kinh nghiệm nhất khu vực này là Mexico - vốn đều thắng trong trận ra quân ở 2 kỳ giải gần nhất, cũng chỉ may mắn có kết quả hòa 0-0 trước Ba Lan. Trong khi đó, Costa Rica chịu "phơi áo" tới 0-7 trước đội tuyển Tây Ban Nha.
Ở chiều ngược lại, các đội bóng thuộc Liên đoàn bóng đá châu Á đã mang tới sự hân hoan cho người hâm mộ, khi chỉ 3/6 đại diện để thua trước những đối thủ vượt trội về đẳng cấp. Ngoài thất bại của chủ nhà Qatar - một đội bóng vốn non kinh nghiệm, thì các đại diện còn lại đều đã có sự thể hiện tốt.
Iran chỉ chịu khuất phục 2-6 trước đội tuyển Anh, tương tự Australia thua 1-4 trước đương kim vô địch Pháp với tư cách đội dẫn bàn. Ấn tượng nhất là những màn ngược dòng mãn nhãn của Saudi Arabia trước Argentina và Nhật Bản trước đội tuyển Đức, cùng với tỷ số 2-1. Hàn Quốc cũng đã thành công khi cầm chân một trong những đội tuyển mạnh nhất của Nam Mỹ là Uruguay.
Trước khi giải đấu bắt đầu ở Qatar, World Cup chứng kiến trung bình hơn hai bàn thắng mỗi trận đấu. Mức trung bình cao nhất là vào năm 1954, khi 140 bàn thắng được ghi sau 26 trận, theo đó hiệu suất là 5,38 bàn mỗi trận. Kỳ World Cup có ít bàn thắng nhất là giải đấu năm 1990, khi có 115 bàn thắng được ghi với hiệu suất chỉ 2,21 bàn mỗi trận./.