WB tài trợ 231 triệu USD cải thiện môi trường sống cho người dân ở Bình Dương
Có khoảng 550.000 người dân ở tỉnh Bình Dương được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án cải thiện môi trường nước và xử lý nước thải do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Ngày 15/1, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đã phê duyệt Dự án cải thiện môi trường nước và xử lý nước thải cho hơn nửa triệu người dân ở tỉnh Bình Dương.
Với tổng mức đầu tư 311 triệu USD, bao gồm 231 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, dự án được thiết kế nhằm chuyển đổi căn bản hoạt động quản lý nước thải tại các thành phố Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích hơn 33.000 ha và dân số khoảng 1,4 triệu người.
Hiện khả năng thu gom và xử lý nước thải ở những khu vực này vẫn còn hạn chế, với độ bao phủ rất thấp. Dự án đầu tư sẽ giúp mở rộng đáng kể các dịch vụ này, mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 550.000 người dân vào năm 2032.
Dự án cũng sẽ tăng tỷ lệ nước thải qua xử lý từ dưới 10% lên 32% tại thành phố Tân Uyên và từ 17%-19% lên 45% tại thành phố Thuận An và Dĩ An. Tăng tỷ lệ nước thải được xử lý ở các khu đô thị có mật độ cao này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm ô nhiễm trên hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai.
Thiết kế kỹ thuật của dự án đã tính đến các kịch bản khí hậu trong tương lai, đảm bảo cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi, thích ứng và bền vững về lâu dài, bao gồm việc lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, dự án cũng lồng ghép các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, chú trọng hiệu quả sử dụng tài nguyên và tính bền vững. Đơn cử, việc sử dụng đèn LED và tấm pin Mặt Trời sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng, trong khi việc tái sử dụng bùn và nước thải đã qua xử lý sẽ góp phần quản lý tài nguyên bền vững hơn.
Số vốn đầu tư còn lại 80 triệu USD là nguồn vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam, những thách thức như nước thải chưa qua xử lý và hệ thống thoát nước chưa phù hợp gây tổn hại đến sức khỏe và có nguy cơ làm giảm GDP 3,5%/năm tính đến năm 2035. Dự án này là một bước quan trọng trong nỗ lực tạo ra môi trường sạch hơn, lành mạnh hơn ở tỉnh Bình Dương, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững”./.