WB: Lạm phát khiến kinh tế Palestine đối mặt với nhiều khó khăn

Giữa lúc giá cả tiếp tục leo thang, các hộ gia đình tại các vùng lãnh thổ của Palestine đang phải đối mặt nhiều khó khăn khi giá bánh mì, bột mì và dầu thực vật tăng trung bình 80%.

Một xe chở hàng di chuyển trên đường phố Palestine. (Nguồn: worldbank.org)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong một báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Palestine, vốn dựa chủ yếu vào các nguồn tài trợ và viện trợ nước ngoài, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% trong năm nay.

WB cho rằng đà phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng khi các hạn chế phòng chống đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ hoàn toàn và số người Palestine làm việc tại Israel gia tăng là những nhân tố chủ chốt thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Palestine trong năm nay.

Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng nói trên thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,1% mà nền kinh tế Palestine đạt được trong năm 2021 và mức tăng 5,7% ghi nhận trong trong quý 1/2022.

Báo cáo của WB cho biết trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế ở các vùng lãnh thổ của Palestine được dự báo sẽ chậm lại, do chi tiêu công giảm sút và áp lực lạm phát còn kéo dài.

Theo WB, giữa lúc giá cả tiếp tục leo thang, các hộ gia đình tại các vùng lãnh thổ của Palestine đang phải đối mặt nhiều khó khăn khi giá bánh mì, bột mì và dầu thực vật tăng trung bình 80%.

[Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ giải pháp hai nhà nước]

Theo WB, số người Palestine ở Bờ Tây làm việc tại Israel và các khu định cư đã tăng lên 203.000 người trong quý 1/2022, so với con số 153.000 người ghi nhận trong quý 4/2021.

WB cho biết thêm mức lương trung bình hàng ngày của các lao động này cao hơn gấp đôi mức lương trung bình hàng ngày ở khu Bờ Tây.

Tỷ lệ thất nghiệp tại các vùng lãnh thổ của Palestine là 24,2% trong quý 2/2022, giảm từ 26,4% năm 2021.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Bờ Tây và Dải Gaza có sự khác biệt lớn, với tỷ lệ thất nghiệp ở Bờ Tây là 13,8% trong quý 2/2022, trong khi tỷ lệ này ở Gaza là 44,1%.

Điều này phản ánh các điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn tại Gaza.

Báo cáo của WB cũng cho biết thâm hụt ngân sách của Chính quyền Palestine (PA) trong nửa đầu năm 2022 đã giảm 70% so với cùng kỳ năm 2021, nhờ doanh thu tăng khá, nhưng thâm hụt ngân sách trong năm nay dự kiến sẽ ở mức 770 triệu USD.

Tổng thu ngân sách của PA năm 2022 dự kiến tăng hơn 10% so với năm ngoái, lên 4,67 tỷ USD.

Trong báo cáo công bố tuần trước, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho hay Palestine đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao hơn và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng hơn trong năm nay, vì hầu hết nguồn cung lúa mì của Palestine được nhập khẩu từ Nga và Ukraine./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)