Vực dậy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Cần những dự án đột phá
Quý 1/2023, GRDP của TP HCM chỉ tăng 0,7% và dự báo kinh tế Thành phố sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường. Việc vực dậy đầu tàu kinh tế này cần những chính sách lớn mang tính vĩ mô.
Với tình hình quý 1/2023 khi Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ tăng 0,7% và dự báo những quý tiếp theo, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường.
Việc vực dậy đầu tàu kinh tế của cả nước cần dựa vào một số chính sách lớn mang tính vĩ mô, chứ riêng Thành phố Hồ Chí Minh không thể giải quyết được.
Thông tin này được đưa ra tại Tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển,” do Báo Người Lao động tổ chức ngày 16/5 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần kích cầu nội địa trên mọi mặt
Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, về mặt khách quan, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quý 1/2023 giảm sâu do chịu 3 tác động lớn. Đó là câu chuyện hạ tầng tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được; chưa đánh giá hết những tác động của đại dịch, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất-kinh doanh và tác động bất ổn của vĩ mô từ quý 4/2022 tiếp tục lan sang năm nay.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng những vấn đề này đang tồn tại và có những điều đã được Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ, nhưng cũng có những vấn đề chưa tháo gỡ được. Do đó, để kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sớm phục hồi cần dựa vào một số chính sách lớn mang tính vĩ mô, chứ riêng thành phố không thể giải quyết.
Trước hết, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa thông qua 2 công cụ của Nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.
Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu mạnh tay hơn trong việc giảm thuế giá trị gia tăng theo từng ngành, có thể giảm xuống 5-6% đồng thời cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn hiện nay mà không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt.
[Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có chuyển biến tích cực trong tháng 4]
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết các doanh nghiệp bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu suy giảm. Thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy không có nhà bán lẻ nào trong quý 1/2023 tăng trưởng dương.
Để tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển cũng như kinh tế phục hồi, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng để kích cầu, trong đó chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% cần được triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu, cũng như giúp doanh nghiệp có thêm "hơi thở" mới để tồn tại trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Kỳ vọng vào sự đột phá mới
Tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng để vực dậy nền kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp trước mắt và giải pháp căn cơ.
Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang làm những giải pháp căn cơ và tình thế. Về tình thế, cần rà những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản vì thị trường này nếu không xử lý được, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Về giải pháp căn cơ, Quốc hội đang bàn về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh do Quốc hội ban hành (Nghị quyết 54), nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn. Đây là điều Thành phố Hồ Chí Minh đang đeo đuổi.
Khi Nghị quyết mới được thông qua và đi vào cuộc sống thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua và thành phố để triển khai ngay. Nếu gỡ được được điểm nghẽn, sức hấp thụ vốn của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng lên.
Trao đổi cụ thể hơn về dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các cơ chế mới nêu trong dự thảo Nghị quyết sẽ giải quyết tương đối những bất cập hiện nay.
Chẳng hạn, những vấn đề vướng, chồng chéo như phương thức BT (xây dựng-chuyển giao), BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), thu hút nguồn vốn đầu tư phải được khơi thông.
Các cơ chế mới không chỉ cho riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà cần nhìn nhận trong bối cảnh cả vùng, khu vực. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến tạo, thí điểm những cái mới mà thế giới đã làm, đang làm, như xây dựng đô thị dựa trên các tuyến giao thông, khởi nghiệp sáng tạo, sandbox…
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ tạo sức bật cho kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức.
Vấn đề của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là của thành phố mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước. Bởi lẽ, thành phố gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì kéo cả đoàn tàu đi lên.
Về vấn đề gỡ vướng cho Thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng việc này là cần thiết nhưng phải tập trung cao hơn, tầm nhìn tốt hơn để tháo gỡ những vấn đề căn cơ. Hiện nay, có tâm lý không dám hành động do vướng quá nhiều nên không dám làm.
Dù tình hình còn nhiều khó khăn song vị chuyên gia này khuyến nghị Thành phố Hồ Chí Minh phải bình tĩnh hơn, không nên “tháo bung" để lấy tăng trưởng bằng mọi giá.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào; những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên như giao thông, ngập nước, tắc nghẽn hạ tầng…, những động lực mới không được đưa ra. Do đó, phải tạo ra những đột phá, động lực mới bằng việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với việc đột phá về thể chế, vị chuyên gia này cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh phải có những dự án đột phá, biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước.
Thành phố có thể có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm Tài chính Quốc tế, Trung tâm Hội chợ thương mại Quốc tế. Các dự án này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn./.