Vụ tai nạn đường sắt Hy Lạp: Thêm quan chức ngành đường sắt bị truy tố
Cả ba quan quan chức ngành đường sắt Hy Lạp đều phải đối mặt với các tội danh ngộ sát do bất cẩn, gây thiệt hại về người và làm gián đoạn giao thông, sau vụ tai nạn làm 57 người thiệt mạng đêm 28/2.
Cơ quan công tố của Hy Lạp ngày 9/3 đã buộc tội thêm 3 quan chức ngành đường sắt liên quan tới thảm kịch tồi tệ nhất ở nước này làm 57 người thiệt mạng đêm 28/2.
Một giám sát viên đường sắt phụ trách phân công người thay ca đã bị buộc tội với cáo buộc đã đưa một trưởng ga chưa có kinh nghiệm vào làm ca đêm trong một mùa nghỉ lễ đông đúc.
Trước đó vài ngày, vị trưởng ga làm nhiệm vụ vào thời điểm xảy ra tai nạn, người bị cáo buộc đã chỉ đạo hai tàu đi trên cùng một đường ray do nhầm lẫn, cũng đã bị buộc tội.
Ngoài ra, hai trưởng ga khác cũng bị buộc tội rời vị trí sớm hơn giờ quy định. Cả ba người đều phải đối mặt với các tội danh ngộ sát do bất cẩn, gây thiệt hại về người và làm gián đoạn giao thông. Họ có thể phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội.
[Biểu tình lớn tại Hy Lạp sau thảm họa đường sắt khiến 57 người chết]
Cùng ngày, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã triệu tập cuộc họp nội các đầu tiên kể từ sau vụ việc và cam kết “minh bạch hoàn toàn trong cuộc điều tra nhằm làm rõ các lỗi” trong vụ tai nạn thảm khốc này.
Ông Mitsotakis cũng cam kết “hành động ngay lập tức” nhằm cải thiện tình hình trong ngành đường sắt và nâng cấp hệ thống an toàn.
Tai nạn xảy ra đêm 28/2 (giờ địa phương) khi một đoàn tàu chở 350 hành khách trong hành trình di chuyển từ thủ đô Athens đến thành phố Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp, đâm trực diện vào một tàu chở hàng từ Thessaloniki đến thành phố Larissa.
Vụ va chạm đã khiến 4 toa tàu đầu tiên trật khỏi đường ray, 2 toa khác gần như biến dạng hoàn toàn và có toa bốc cháy. Nhiều nạn nhân là sinh viên đại học trở lại lớp học sau kỳ nghỉ ngắn ngày.
Vụ tai nạn đã khiến dư luận bất bình về tình trạng xuống cấp của mạng lưới đường sắt. Các nhân viên đình công cho rằng nhiều năm bị bỏ quên, thiếu vốn đầu tư và thiếu nhân lực chính là nguyên nhân dẫn tới thảm họa.
Ngày 8/3, người dân đã xuống phố tham gia cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau vụ việc, kêu gọi công lý cho các nạn nhân và đòi chính phủ từ chức.
Hàng chục nghìn người lao động ở thủ đô Athens và các thành phố khác trên khắp Hy Lạp đã xuống đường tuần hành khi các nghiệp đoàn kêu gọi đình công 24 giờ trên toàn quốc liên quan thảm họa nói trên./.