Vụ sập cầu ở Mỹ: Bang Maryland mở một kênh tạm thời tại khu vực tai nạn
Việc mở kênh tạm thời với độ sâu 3,35m sẽ cho phép các tàu rời bến cảng Baltimore - một trong những cảng quan trọng và hoạt động thường xuyên nhất trên cả nước Mỹ.
Ngày 1/4, Thống đốc bang Maryland (Mỹ) Wes Moore cho biết bang này đã mở một kênh tạm thời ở phía Đông Bắc của cây cầu Francis Scott Key, thành phố Baltimore, cho phép một số tàu thuyền có thể lưu thông sau nhiều ngày bị mắc kẹt vì thảm họa sập cầu.
Trong cuộc họp báo, ông Moore nêu rõ việc mở kênh tạm thời với độ sâu 3,35m sẽ cho phép các tàu rời bến cảng Baltimore - một trong những cảng quan trọng và hoạt động thường xuyên nhất trên cả nước Mỹ.
Kênh tạm thời thứ hai với độ sâu 4,6-4,9m ở phía Nam bến cảng cũng sẽ được mở "trong những ngày tới."
Một khi các mảnh vỡ được dọn sạch, một con kênh thứ ba với độ sâu từ 6,1-7,6m sẽ được mở, cho phép hầu hết các tàu kéo và sà lan ra vào cảng.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính phủ Mỹ đã làm việc với các lãnh đạo địa phương nhằm đảm bảo cung cấp sà lan và cần cẩu để hỗ trợ công tác phá dỡ phần cầu bị sập, cùng với nguồn tiền đầu tư ban đầu.
Bà nói thêm rằng chính quyền đang làm việc với Quốc hội nhằm đảm bảo chính phủ liên bang sẽ cấp kinh phí cho việc xây dựng lại cây cầu. Bà tái khẳng định: “Chính quyền sẽ sát cánh cùng người dân Baltimore trên mọi nẻo đường.”
Bà Jean-Pierre cũng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thị sát khu vực bị thiệt hại vào ngày 5/4 tới, dự kiến sẽ gặp gỡ và làm việc với các lãnh đạo địa phương.
Với chiều dài gần 3km, Francis Scott Key là cây cầu dài nhất ở khu vực đô thị Baltimore và là một trong những tuyến giao thông vận tải huyết mạch đông đúc nhất của Mỹ.
Cây cầu được khánh thành vào tháng 3/1977. Mỗi năm có khoảng 11,5 triệu lượt phương tiện lưu thông qua cầu.
Francis Scott Key bị sập khi tàu container Dali mang cờ Singapore bất ngờ chết máy và đâm thẳng vào trụ cầu.
Ít nhất 6 người thiệt mạng trong vụ sập cầu này, đến nay mới chỉ tìm thấy 2 thi thể nạn nhân./.