Vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm ở Liban: Tái hiện "bóng ma" chiến tranh

Cùng với giao tranh qua biên giới, việc máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ một lần nữa làm hiện lên "bóng ma" một cuộc chiến tổng lực giữa Israel và Hezbollah và kéo cả khu vực vào vòng xoáy bạo lực.

Đám tang những người thiệt mạng trong loạt vụ nổ máy nhắn tin ở Beirut, Liban ngày 18/9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm đã đồng loạt phát nổ ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Liban trong các ngày 17 và 18/9, với mục tiêu được cho là nhằm vào các thành viên của phong trào Hezbollah.

Cùng với các vụ giao tranh qua biên giới kéo dài hơn 11 tháng qua, sự việc mới nhất một lần nữa làm hiện lên "bóng ma" một cuộc chiến tranh tổng lực giữa Israel và Hezbollah và kéo cả khu vực vào vòng xoáy bạo lực.

Vụ việc xảy ra giữa lúc tình hình biên giới giữa Israel và Liban vẫn trong giai đoạn căng thẳng với các cuộc tấn công qua lại diễn ra hằng ngày.

Tới nay, các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương. Hàng trăm người khác trong tình trạng nguy kịch, cho thấy con số tử vong có thể còn cao hơn.

Vụ nổ ngày 17/9 đánh dấu ngày thương vong lớn nhất đối với phong trào Hezbollah kể từ khi xảy ra cuộc chiến tại Dải Gaza và cũng là lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh Liban năm 2006.

Tuy nhiên, tính nghiêm trọng của vụ việc không chỉ nằm ở con số thương vong. Đây là hoạt động tấn công phá hoại và sát thương trên quy mô rộng lớn, thông qua các thiết bị điện tử lạc hậu mà trước đó thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah đã yêu cầu các thành viên sử dụng thay cho điện thoại thông minh để tránh bị tấn công công nghệ cao.

Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Liban để điều trị. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Chính phủ Liban công bố điều tra sơ bộ cho thấy các thiết bị đã bị gài sẵn thuốc nổ một cách chuyên nghiệp trước khi nhập khẩu vào Liban, sau đó được kích nổ đồng loạt. Có thể còn nhiều thông tin khác chưa được công bố, nhưng rõ ràng thủ phạm muốn nhằm phơi bày điểm yếu trong hệ thống an ninh, giáng một đòn mạnh vào uy tín của Hezbollah, qua đó truyền tải thông điệp có thể tiếp cận các nhà lãnh đạo của Hezbollah bất cứ ở đâu và khi nào.

Hơn nữa, tính nghiêm trọng còn nằm ở thời điểm xảy ra vụ việc. Gần đây quân đội Israel tuyên bố giảm bớt hoạt động ở Dải Gaza để chuyển trọng tâm chiến trường lên phía Bắc nhằm đối phó với Hezbollah.

Trong khi đó, dư âm của các vụ ám sát chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah và thủ lĩnh Ismail Haniyeh của Hamas vẫn dai dẳng. Nguy cơ Israel bị Iran và các phong trào vũ trang khu vực tấn công vẫn treo lơ lửng. Mặc dù phía Israel không bình luận về vụ nổ các thiết bị viễn thông, nhưng giới phân tích nhận định chỉ có tình báo nước này mới có động cơ và khả năng để thực hiện một chiến dịch tinh vi và kéo dài như vậy.

Trong trường hợp giả thiết trên là đúng, thì có thể lý giải động cơ của phía Israel như sau. Trước hết, có thể Tel Aviv cho rằng các vụ tấn công dồn dập và gây ra thiệt hại lớn tại Liban sẽ buộc Hezbollah phải dừng chiến dịch phá hoại miền Bắc Israel mà phong trào này thực hiện kể từ ngày 8/10/2023 nhằm ủng hộ người dân Palestine ở Dải Gaza.

Hezbollah sẽ phải chấp nhận đàm phán ngừng bắn và rút quân khỏi ranh giới sông Litani, qua đó cho phép trên 70.000 người dân Israel sơ tán chiến tranh được trở về nhà. Khả năng thứ hai có thể Israel đang tìm cách lôi kéo Hezbollah vào một cuộc chiến tranh tổng lực.

Quan điểm hiện nay của cả Iran và Hezbollah đều muốn duy trì xung đột dưới mức chiến tranh nhằm làm tiêu hao sinh lực Israel về kinh tế và quân sự. Nếu Hezbollah “sa bẫy," Israel sẽ tận dụng cơ hội để phát động một cuộc chiến nhằm loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa tại biên giới phía Bắc.

Trong bối cảnh tình hình Dải Gaza còn chưa rõ ràng, việc mở mặt trận mới vừa là chiến lược dài hạn với Israel vừa là chiến thuật ngắn hạn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Vẫn chưa rõ liệu có phải tình cờ hay không, tuần qua Nội các An ninh Israel đã chính thức đưa vào mục tiêu chiến tranh việc hỗ trợ hàng chục nghìn người dân sơ tán ở miền Bắc trở về nhà.

Tướng về hưu Amir Avivi, Giám đốc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Israel, nhận định: “Không thể có chuyện tấn công hàng nghìn người mà không tính đến nguy cơ chiến tranh. Tại sao chúng tôi không làm việc đó suốt 11 tháng qua? Là bởi chúng tôi chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Những gì đang diễn ra cho thấy Israel đã sẵn sàng cho một cuộc chiến."

Do đó, dư luận thế giới đang rất lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tổng lực giữa Israel và Hezbollah, và nếu điều này xảy ra sẽ khiến xung đột lan ra toàn bộ Trung Đông. Phản ứng của các bên càng khiến nguy cơ này thêm dâng cao.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Kfarchouba, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi cuộc chiến tại Gaza kết thúc và Israel khó có thể đạt được mục tiêu đưa người sơ tán trở về. Iran cảnh báo Israel sẽ đối mặt với “phản ứng dữ dội từ Trục kháng chiến" sau loạt vụ nổ thiết bị viễn thông ở Liban. Israel đặt quân đội trong tình trạng báo động cao về khả năng phản ứng của Hezbollah.

Ngày 19/9, Israel đã mở đợt không kích lớn nhất kể từ khi xảy ra xung đột hồi tháng 10/2023 nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở miền Nam Liban.

Hàng loạt hãng hàng không quốc tế đã quyết định điều chỉnh lịch trình bay đến Trung Đông. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên tuân thủ nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an năm 2006, lập tức ngừng sự thù địch, nỗ lực ngoại giao và chính trị nhằm ngăn chặn bạo lực lan ra toàn khu vực.

Các quốc gia liên quan khác cũng đều đã lên tiếng phản đối bạo lực, cho rằng chỉ có hành động ngoại giao, bao gồm nhanh chóng đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, mới có thể ngăn chặn sự việc đi quá xa.

Liệu những diễn biến mới nhất có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện hay không phụ thuộc vào việc các bên liên quan đã sẵn sàng cho việc này hay chưa.

Theo giới phân tích, cả Hezbollah và Israel đều đang đối mặt với những khó khăn nội bộ, một cuộc đối đầu tổng lực sẽ trở thành gánh nặng quá tải cho cả hai bên. Israel có ưu thế quân sự vượt trội, nhưng người dân Israel cũng hiểu rằng một cuộc chiến với phong trào Hezbollah sẽ khác xa với những gì đã diễn ra trong cuộc chiến với Hamas. Chiến tranh sẽ kéo dài nhiều năm và hậu quả tàn phá sẽ rất nặng nề.

Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 20/9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình thế khó khăn hiện nay buộc các nhà lãnh đạo Hezbollah sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định trả đũa. Một cuộc tấn công tổng lực đòi hỏi sự kết hợp với Iran hoặc một lực lượng khác, ví dụ Houthi ở Yemen hoặc các nhóm vũ trang ở Iraq. Điều này đã được chứng minh là không dễ dàng.

Về phía Israel, các nhà lãnh đạo nước này cũng sẽ phải xem xét quan điểm của đồng minh Mỹ, vốn đã được chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh là phản đối mở rộng chiến tranh ở thời điểm hiện tại.

Gần 1 năm kể từ khi nổ ra giao tranh qua biên giới giữa Israel và Hezbollah, cả hai bên đều luôn cố gắng kiềm chế chỉ tấn công các điểm quân sự và giới hạn quanh khu vực biên giới, tránh để xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trong quá trình đó, một đôi lần cũng đã từng xảy ra các sự cố nghiêm trọng, như vụ ám sát chỉ huy cấp cao của phong trào Hezbollah, Fuad Shukr hồi cuối tháng 7 vừa qua. Hy vọng sự cân nhắc thiệt hơn trong nội bộ giới lãnh đạo hai bên, cũng như nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan, một lần nữa sẽ giúp đẩy lui "bóng ma" chiến tranh trong khu vực./.