Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Cầu Giấy: Nét đẹp tình người giữa 'biển lửa'
Trong thời khắc sinh tử, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, tình yêu thương đồng loại của những con người bình dị, đã không ngại hiểm nguy, lao vào khói lửa cứu người.
Vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng ở Cầu Giấy (Hà Nội) lúc rạng sáng 24/5 đã cướp đi sinh mạng của 14 người dân vô tội. Trong thời khắc sinh tử đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, tình yêu thương đồng loại của những con người bình dị, đã không ngại hiểm nguy, lao vào khói lửa cứu người.
Cùng với thời điểm thông tin vụ cháy trong ngày 24/5, cũng là lúc cộng động mạng lan truyền hình ảnh một thanh niên trong tư thế đứng chênh vênh, không thuận lợi trên một chiếc thang đặt trên cao, có thể gặp nguy hiểm khi bị ngã, nhưng vẫn ra sức quai búa, đập tường tạo ra một lỗ thủng để nạn nhân của vụ cháy thoát ra ngoài. Hành động dũng cảm đó được xác định là của Đồng Văn Tuấn và Hoàng Anh Tuấn (quê Nam Định).
Với nước da bánh mật khỏe mạnh, ánh nhìn thẳng thắn mạnh mẽ, Hoàng Anh Tuấn vừa đặt chân tới Thủ đô được khoảng 30 ngày, mọi thứ còn lạ lẫm. Sau khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tuấn tìm đến khu vực ở Trung Kính để thuê trọ, tiện cho việc học nghề sửa chữa xe ôtô.
Khi xảy ra hỏa hoạn ở tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Tuấn và một số người bạn còn đang thức xem điện thoại.
Khi nghe thấy tiếng nổ bên cạnh, Tuấn nghĩ ai đó trêu đùa gõ cửa phòng mình, khi mở cửa mới biết là có tiếng tri hô báo cháy. Lúc này, nhiều người dân xung quanh ra hỗ trợ chữa cháy. Thấy thế, Tuấn cũng chạy ra theo quán tính, phản xạ tự nhiên. Khi ra bên ngoài, Tuấn cùng mọi người quan sát thấy có khu vực có cửa sổ kính.
“Nhìn thấy có người ở trên tầng 3 kêu cứu, mọi người mang thang ra. Phải nối hai thang từ dưới đất lên, sau đó tôi và một bạn cùng trèo lên để đập tạo ra lỗ hổng," Tuấn kể lại và cho biết thêm, lúc ấy không nghĩ gì đến sợ hãi, khi nghe tiếng kêu cứu thì cứ nỗ lực hết sức để cứu người.
Ban đầu khi đập búa vào tường, Tuấn cùng một số người cũng lo tường không thủng. Nhưng có lẽ trong lúc ấy, việc cứu người là quan trọng, sức lực như dồn hết về cánh tay, chỉ khoảng 5 phút sau, Tuấn đã đập thủng tường.
Trong lúc tường thủng cũng là thời điểm khói bắt đầu mù mịt hơn, Tuấn đã tìm cách đưa bé trai xuống trước, sau đó cùng với mọi người hỗ trợ thêm 2 người lớn cũng thoát ra từ lỗ thủng của tường.
Tuấn nói: “Trong hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ làm như tôi cả. Người ta đang cần sự trợ giúp nên tôi không nghĩ gì nhiều, bất chấp tất cả để cứu họ ra khỏi đám cháy.”
Trong khói lửa mịt mùng, kèm tiếng nổ, nhiệt độ cao, không gian xung quanh hỗn loạn đầy nguy hiểm, nhưng vượt lên tất cả, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cùng các lực lượng của địa phương đã phối hợp nhịp nhàng, thực hiện các hành động cứu hộ dứt khoát.
Ngay trong thời khắc quan trọng, chỉ cần quyết định chậm, muộn, chần chừ, có thể phải đánh đổi bằng tính mạng của nhiều người. Vì thế, không do dự, ngại ngần, lực lượng chức năng đã quyết định phá khóa cổng chính để triển khai các mũi tiến công chống “giặc lửa.”
Phương án tiếp cận được thực hiện theo hai hướng: tiếp cận khu vực cháy qua sân chính, lối vào các gian phòng ở các tầng của ngôi nhà (cứu được 3 người theo hướng tiếp cận này); triển khai phá ô cửa sổ trên bề mặt tường ngoài tầng 2 của nhà ở hộ gia đình, sử dụng thang dây cứu nạn của nhà dân trang bị (cứu được 3 người theo hướng tiếp cận này từ tầng 2 của ngôi nhà).
Tổng cộng đã có 7 người được Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cùng người dân sử dụng thiết bị cắt cửa, phá khóa đưa ra ngoài.
Suốt một đêm không ngủ, liên tục làm việc với cường độ cao và nguy hiểm rình rập, với những người có sức khỏe tốt cũng đã phờ phạc. Nhưng những người lính cứu hỏa Thủ đô vẫn bày tỏ sự nuối tiếc, giá như có thể hành động mau lẹ hơn nữa, có nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn nữa, để kịp thời cứu sống nhiều hơn nữa những người dân trong vụ hỏa hoạn.
Cùng với lính cứu hỏa, những thanh niên như Tuấn, nhiều phụ nữ, người dân và các đoàn thể túc trực tại các hành lang bệnh viện, Nhà tang lễ Cầu Giấy, để an ủi, động viên, tiếp những chai nước hoặc phần thức ăn cho những thân nhân đang chờ lấy mẫu xét nghiệm AND để nhận người thân, đã phần nào an ủi gia đình người xấu số; cũng là những nghĩa cử tốt đẹp, mang đến nhiều rung cảm về tình người trong cơn hoạn nạn.
Để không xảy ra những vụ hỏa hoạn thảm khốc như trên, để những sự mất mát, hi sinh không phải là vô nghĩa, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tự kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mỗi cá nhân, hộ gia đình cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn cho bản thân và người trong gia đình; chuẩn bị sẵn thang, thang dây và dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực... để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.
Người dân không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
Người dân nên lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, aptomat...), thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; tắt thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng.
Đặc biệt, người dân không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở; trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng, chống ngạt khói.
Người dân nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay... để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Khi xảy cháy, người dân cần bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài; tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ./.