Vụ đâm dao ở Đức: Nóng lại tranh cãi về kiểm soát người nhập cư
Lệnh bắt giữ nêu rõ nghi phạm được xác định là “Issa Al H”, 26 tuổi, công dân Syria, bị cáo buộc tội cố ý giết người với những bằng chứng cho thấy người này là thành viên của tổ chức IS.
Ngày 25/8, Văn phòng Công tố Đức đã ra lệnh tạm giam, mở điều tra nhằm đưa ra xét xử đối với nghi phạm gây ra vụ tấn công bằng dao khiến 3 người chết và 8 người bị thương tại một lễ hội ở thành phố Solingen, bang North Rhine-Westphalia (Nordrhein-Westfalen) phía Tây nước Đức.
Lệnh bắt giữ nêu rõ nghi phạm được xác định là “Issa Al H”, 26 tuổi, công dân Syria, bị cáo buộc tội cố ý giết người với những bằng chứng cho thấy người này là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cùng ngày, Tòa án công lý liên bang (BGH) ở Karlsruhe cũng đã tiếp nhận vụ án và ra lệnh bắt giữ nghi phạm. Tòa án cao nhất của Đức sẽ chịu trách nhiệm thụ lý giải quyết vụ việc được xếp vào tội phạm khủng bố.
Vụ việc cũng gia tăng sức ép với liên minh trung tả cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, từ nội bộ cũng như phe đối lập, về vấn đề kiểm soát người nhập cư.
Trên trang cá nhân, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) đối lập theo đường lối trung hữu, Friedrich Merz, kêu gọi Thủ tướng Olaf Scholz hợp tác với CDU để đưa ra quyết định nhanh chóng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố tương tự.
Ông Merz đề nghị triệu tập một cuộc họp trong vài ngày tới, đồng thời đề xuất một loạt biện pháp mạnh tay, trong đó có trục xuất người tị nạn về Syria và Afghanistan, đồng thời không nhận thêm người tị nạn từ 2 quốc gia này.
Ngoài ra, bất kỳ người tị nạn nào hồi hương cùng những trường hợp bị Đức trục xuất cũng sẽ ngay lập tức bị tước quy chế cư trú ở Đức.
Chủ tịch CDU cho rằng liên minh cầm quyền có thể sẽ sớm chấp thuận các đề xuất như tăng cường giám sát biên giới và khôi phục các nguyên tắc của Quy chế Dublin.
Theo đó, người xin tị nạn đặt chân vào lãnh thổ của nước EU nào đầu tiên thì nước đó sẽ chịu trách nhiệm giải quyết yêu cầu tị nạn, ngoài ra, những cá nhân nhập cảnh từ một “nước an toàn” sẽ không được phép ở lại Đức.
Theo truyền thông Đức, nghi phạm của vụ đâm dao đã vào EU qua Bulgaria và lẽ ra phải nộp đơn xin tị nạn ở đó theo Quy chế Dublin. Sau khi đơn xin tị nạn ở Đức bị từ chối vào năm 2023, nghi phạm phải bị trục xuất về Bulgaria nhưng người này đã bỏ trốn.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser (đảng Dân chủ Xã hội - SPD của Thủ tướng Olaf Scholz) cho biết đã xem xét đề xuất về khả năng hồi hương người tị nạn Syria hoặc Afghanistan.
Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng trên thực tế, vì lý do nhân đạo, Đức đã ban hành lệnh cấm trục xuất người Afghanistan về nước kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 9/2021.
Theo bà Faeser, Đức hiện đang mở rộng việc kiểm soát biên giới, trong bối cảnh nhiều nước EU như Bulgaria và Romania, dễ dàng cho phép người tị nạn sang Đức.
Cảnh sát liên bang Đức hiện đang tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại một số khu vực biên giới giáp Ba Lan, CH Séc và Áo. Biện pháp này được áp dụng cho tới tháng 12 năm nay và có thể sẽ được kéo dài thêm ít nhất 6 tháng.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck (đảng Xanh) cũng kêu gọi siết chặt hơn nữa trong quản lý việc mang dao và những loại vũ khí khác tại các sự kiện công cộng.
Chủ tịch tổ chức công đoàn “Hiệp hội Cảnh sát hình sự Đức” Dirk Peglow đề nghị cho phép cảnh sát khám xét việc mang dao mà không cần lý do cụ thể, đồng thời cấm sử dụng dao ở những địa điểm công cộng.
Đức luôn đặt trong tình trạng báo động cao trước các cuộc tấn công cực đoan kể từ khi căng thẳng Israel - Hamas bùng phát tại Dải Gaza vào cuối năm ngoái. Các lễ hội đường phố và hội chợ ở Đức trước đây từng là mục tiêu tấn công của những đối tượng cực đoan.
Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn vào năm 2015-2016, khi cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu lên đến đỉnh điểm. Làn sóng người di cư đã gây chia rẽ sâu sắc ở Đức và thúc đẩy sự ủng hộ dành cho phe cực hữu./.