Vốn FDI chảy vào thị trường bất động sản tăng 78%
Trong bức tranh kinh tế 7 tháng năm 2024, điểm sáng đáng ghi nhận chính là tốc độ “hút” vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của bất động sản tăng tới 78% so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Điểm sáng đáng ghi nhận chính là tốc độ “hút” vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của bất động sản tăng tới 78% so với cùng kỳ.
Con số này được đánh giá là mức gia tăng mạnh. Trong đó, cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,94 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 9,1%.
Các chuyên gia của Công ty Savills nhận xét Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Sự phát triển của các lĩnh vực này tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
Xét về địa bàn thì tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư cả nước, cao hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 1,56 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,55 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng…
Để tiếp tục duy trì sức hút đầu tư trong thời gian tới, ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp tại Savills Hà Nội chia sẻ cho rằng vẫn cần giải quyết một số khó khăn. Vấn đề lớn nhất mà các khu công nghiệp hiện tại đang gặp phải là năng lượng. Một số nhà đầu tư yêu cầu mức năng lượng lớn, lên tới 10-30MW. Đây là một con số khá khó đáp ứng đối với các khu công nghiệp ở thời điểm hiện tại.
Nhằm sớm khắc phục vấn đề về truyền tải điện, Chính phủ đã lên kế hoạch triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện tại xã Quỳnh Lập tỉnh Nghệ An, với công suất 1.500MW dự kiến vận hành vào năm 2029-2030. Đây là những nỗ lực đáng chú ý để duy trì sức hút của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài – chuyên gia này nhận xét.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cần chú ý đến xu hướng xanh để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư bởi phát triển khu công nghiệp xanh là một xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Ngày càng nhiều nhà đầu tư tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Do đó, nhu cầu bất động sản công nghiệp xanh không chỉ đến từ việc phát triển bền vững trong ngành sản xuất mà còn từ yêu cầu của Chính phủ.
Khảo sát của Savills cho thấy khoảng 80-85% nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu về tiêu chuẩn ESG và Việt Nam cũng đang thích ứng với xu hướng này.
Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40-50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ lên kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có thành khu công nghiệp sinh thái và 8-10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới. Đây cũng là một trong những yếu tố để tăng sức hấp dẫn dòng vốn FDI./.