VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh nếu thị trường thiếu vắng sự bứt phá
Theo đánh giá chung, thị trường chứng khoán cần một sự bứt phá với động lực tốt về giao dịch, nếu không VN-Index sẽ có thể có nhịp điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.
Thị trường đã có một tuần giao dịch khá tích cực, xu hướng phục hồi duy trì khá tốt sau giai đoạn giảm mạnh trước đó.
Tiệm cận vùng kháng cự mạnh
Trước đó, VN-Index vượt lên vùng giá quanh khu vực 1.223 điểm (tương ứng giá cao nhất) thì các phiên giao dịch giảm mạnh xuất hiện (ngày 16-17/4/2024).
Sang đến tuần này, VN-Index ghi nhận 3 phiên đi lên và chạm vùng đỉnh giá năm 2023 (tương 1.245 điểm-1.255 điểm). Theo đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh và rung lắc mạnh ở vùng kháng cự trong hai phiên cuối tuần.
Kết thúc tuần, VN-Index tăng 1,94% so với tuần trước lên mức 1.244 điểm, tiệm cận vùng kháng cự kỹ thuật mạnh khi nối đường xu hướng giảm giá ngắn hạn với các đỉnh giá cao nhất ngày 29/3 và 15/4. Bên cạnh đó, HNX-Index tăng 3,27% trong cả tuần và lên mức 235 điểm. Chỉ số này đang hướng đến vùng giá cao nhất tại phiên giảm mạnh ngày 15/4.
Theo dữ liệu ghi nhận từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 98.720 tỷ đồng, như vậy thanh khoản cải thiện tốt so với các tuần trước đó (nhưng dưới mức trung bình). Thị trường đang có phân hóa mạnh. Cụ thể, sự độ phục hồi tốt tập trung ở các mã/nhóm mã có kết quả kinh doanh quý 1 tích cực, trong đó nhiều mã/nhóm mã đã vượt hoặc tiệm cận vùng đỉnh giá cũ.
Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị 3.139 tỷ đồng trên sàn HoSE, khi tập trung đột biến vào mã VHM. Trong khi, khối ngoại lại mua ròng tốt trên sàn HNX với giá trị xấp xỉ 223 tỷ đồng.
Nhiều thông tin trong một tuần
Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích tại SHS, cho biết thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần trực tuyến (ngày 8/5) và nghe ý kiến về việc công nhận nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Quá trình xem xét công nhận này sẽ diễn ra từ nay đến cuối tháng Bảy. Trong nước, kim ngạch xuất nhập khẩu trong bốn tháng đầu năm đạt 239 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu cùng tăng hơn 15%.
Theo ông Thành, thị trường có sự phục hồi tốt với mức độ phân hóa mạnh, diễn biến nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu cổ phiếu công nghệ, viễn thông trước các báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 khả quan. Theo đó, nhiều mã trong ngành đã tăng giá mạnh với thanh khoản lớn, thậm chí có những mã vượt đỉnh giá gần nhất, như CMG (+30,60%), ELC (+17,36%), FOX (+7,72%), VGI (+5,45%)...
Cùng chung xu hướng, các cổ phiếu nhóm dệt may sau thời gian tích lũy cũng có diễn biến rất tích cực khi hầu hết các mã đều tăng giá, trong đó khối lượng giao dịch đã tăng đột biến trong nhiều năm trước, tiêu biểu là VGT (+27,50%), TNG (+10,89%), MSH (+10,56%), STK (+3,44%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến vượt trội trước thông tin Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vừa có hai phát hiện quan trọng tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, Lô PM3 CAA. Nhiều cổ phiếu ghi nhận sự phục hồi tốt, như PVB (+23,01%), PVT (+17,13%), PVP (+13,86%), POS (+12,50%), PVS (+11,42%)…
Các cổ phiếu thuộc nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng tăng giá mạnh, thanh khoản khả quan. Trong đó, một số mã vượt đỉnh giá tháng Tư mà nổi bật là BVS (+17,65%), CSI (+15,69%), CTS (+14,61%), FTS (+10,46%), BSI (+8,82%)...
Nhận định xu hướng chung, ông Thành cho rằng thị trường khoán Việt Nam đã có ba tuần tăng điểm liên tiếp kể từ sau khi VN-Index kiểm tra thành công vùng giá 1.165 điểm (tương ứng với đường trung bình 200 ngày). Tuy nhiên sau nhiều phiên tăng điểm, VN-Index trong ngắn hạn đã tiến tới gần vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm.
“Đây là vùng hỗ trợ đã đánh mất trước đó và hiện là vùng trên của khu vực tích lũy trung hạn. Và, diễn biến rung lắc liên tiếp của thị trường trong ba phiên cuối tuần cũng cho thấy áp lực bán tại vùng này. Vì vậy, nếu thị trường không sớm bứt phá với động lực tốt đồng thời duy trì giao dịch trên vùng kháng cự nói trên trong các phiên tới, VN-Index sẽ có thể có nhịp điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn,” ông Thành chia sẻ.
Có chung quan điểm VN-Index đang ở vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm, song nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra khung đồ thị ngày, các tín hiệu chỉ báo dòng tiền tiếp tục hướng lên và điều này cho thấy thị trường vẫn duy trì trạng thái tích lũy tốt.
Theo nhóm phân tích của VCBS, ở khung đồ thị giờ, các chỉ báo mới hình thành đang cho thấy VN-Index nằm trong xu hướng rung lắc để đi lên và đang ở trạng thái điều chỉnh để tích lũy.
Theo đó, nhóm phân tích của VCBS cho rằng thị trường sau một tuần giao dịch đi ngang và rung lắc trong biên độ khoảng 10 điểm-20 điểm, điều này cho thấy động lực đang được tích lũy tương đối ổn định./.