Vietshrimp 2024: Hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam
VietShrimp 2024 được kỳ vọng sẽ là diễn đàn lớn để 4 Nhà, gồm Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông, cùng tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Sáng 20/3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cà Mau, Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (Vietshrimp 2024) chính thức khai mạc.
Vietshrimp 2024 do Cục Thủy sản Việt Nam, Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) và Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm.”
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết hiện nay, nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới, sản phẩm nông sản Việt có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng sản phẩm thủy sản là gần 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, sản phẩm tôm đã chiếm lĩnh được hơn 100 thị trường.
Việc tổ chức Vietshrimp thường niên lần thứ 5, năm 2024, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm cùng trao đổi, cập nhật tình hình, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến; kết nối các doanh nghiệp hợp tác phát triển, mở rộng thị trường; kết nối sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đồng thời bàn biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành tôm.
“Chúng tôi tin tưởng rằng Vietshrimp 2024 sẽ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng; là diễn đàn để 4 Nhà gồm Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông cùng chung tay tìm ra giải pháp, đưa ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững; duy trì vị thế trên thị trường thế giới, kết nối tất cả các lĩnh vực với thế giới; cùng đó, học tập kinh nghiệm, tiến bộ, kỹ thuật của các quốc gia tiên tiến để nâng tầm ngành tôm Việt trong tương lai,” ông Phùng Đức Tiến tin tưởng.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung. Hằng năm tôm mang về cho đất nước từ gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45-50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Hiện, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 737.000ha, sản lượng khoảng 1,12 triệu tấn. Đáng chú ý là tuy diện tích nuôi cơ bản không tăng nhưng tổng sản lượng tôm lại tăng tới 5,5% so với năm 2022.
Dù vậy, khó khăn từ nhiều phía đã khiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 bị sụt giảm, chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 19,8% so với năm 2022.
Bước sang năm 2024, ngành tôm được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo các chuyên gia phân tích, hiện nay, giá tôm thương phẩm trong nước đã có khởi sắc, tuy nhiên, ngành tôm vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư đầu vào vẫn giữ ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn rất lớn.
Cùng đó, lạm phát tại nhiều quốc gia có giảm nhưng chưa đáng kể, chi phí logistics vẫn lớn, nhất là tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ… trong khi tín hiệu thị trường dù đã sáng nhưng chưa chắc chắn, người nuôi còn dè dặt trong tái sản xuất.
“Với chủ đề 'Đồng hành cùng người nuôi tôm,' Ban Tổ chức VietShrimp 2024 mong muốn đây sẽ là diễn đàn lớn để '4 Nhà' cùng ngồi lại tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam,” ông Thắng cho biết.
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết: “VietShrimp 2024 được tổ chức tại tỉnh Cà Mau là cơ hội để các ngành, đơn vị chức năng và người dân trong tỉnh Cà Mau có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức tốt việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới. Bởi từ lâu, con tôm đóng vai trò chủ lực trong ngành nông nghiệp Cà Mau.”
Năm 2023, diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau khoảng 278.000ha, sản lượng đạt 231.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD; chiếm 40% về diện tích, chiếm 22% sản lượng và gần 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Văn Sử cũng nhìn nhận những khó khăn, hạn chế của ngành tôm Cà Mau hiện nay, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dẫn đến cung vượt cầu, giá tôm nguyên liệu giảm sâu; nhiều quốc gia, thị trường nhập khẩu ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt; giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào của ngành tôm tăng làm cho giá thành sản xuất cao; cơ sở hạ tầng các vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; liên kết nuôi tôm chưa chặt chẽ…
VietShrimp 2024 có khoảng 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong các ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng tham gia.
Theo kế hoạch, Vietshrimp 2024 sẽ diễn ra liên tục trong hai ngày 20 và 21/3/2024 với tổng cộng có 4 phiên hội thảo xoay quanh các chủ đề, như: "Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt;" "Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn;" "Tăng cường chất lượng nâng tầm giá trị;" "Để nuôi tôm đem lại hiệu quả cao nhất”./.