Việt Nam và Luxembourg có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Luxembourg hy vọng rằng trong khi xây dựng trên nền tảng vững chắc, hai bên có thể khám phá các lĩnh vực hợp tác và phối hợp mới, đồng thời thúc đẩy đổi mới giữa hai nước và hai khu vực.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đại Công quốc Luxembourg (15/11/1973-15/11/2023), Bộ trưởng Ngoại giao và châu Âu Luxembourg, ông Jean Asselborn, đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại châu Âu về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua.
- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg trong 50 năm qua? Đâu là thế mạnh mà hai bên cần phát huy?
Bộ trưởng Jean Asselborn: Vào ngày 15/11/2023, Ðại Công quốc Luxembourg sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao với Việt Nam, một quốc gia mà chúng tôi duy trì mối quan hệ tin cậy và hữu nghị.
Kể từ năm 1973, hai bên đã trải qua một chặng đường dài. Trong các lĩnh vực hợp tác phát triển, tài chính cũng như trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giao thông, kết nối, hậu cần, kỹ thuật, công nghệ y tế, cho đến dịch vụ kỹ thuật số và lĩnh vực ngân hàng, tất cả đều phản ánh sinh động sự đa dạng về các cơ hội kinh doanh mà Việt Nam mang lại hiện nay.
Điều quan trọng nữa cần nhấn mạnh là mối quan hệ hợp tác học thuật xuất sắc với Việt Nam, cụ thể như Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Đại học Luxembourg vừa ký kết thỏa thuận hợp tác học thuật.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được hưởng chương trình học bổng của Bộ Ngoại giao và châu Âu Luxembourg (học bổng Guillaume Dupaix). Chúng tôi rất vui mừng vì viện trợ phát triển và trao đổi kinh tế giữa hai nước ngày càng được tăng cường trong thập kỷ qua.
Luxembourg đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế-xã hội đầy ấn tượng của Việt Nam. Việt Nam ngày nay đã trở thành nhân tố chủ chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài, trong đó có từ Luxembourg. Năm 2022, Luxembourg là nhà đầu tư châu Âu thứ 3 tại Việt Nam. Điều này chắc chắn nói lên rất nhiều về những cơ hội thương mại to lớn giữa hai nước chúng ta.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế và các diễn đàn đa phương?
Bộ trưởng Jean Asselborn: Nhìn về tương lai, Luxembourg hy vọng rằng trong khi xây dựng trên nền tảng vững chắc, chúng ta có thể khám phá các lĩnh vực hợp tác và phối hợp mới, đồng thời thúc đẩy đổi mới giữa hai nước và hai khu vực.
Ở cấp độ song phương, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020 mang lại triển vọng kinh tế tươi sáng cho các công ty của chúng tôi và các nhà cung cấp dịch vụ. Các công ty Luxembourg rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Ngày 5/5/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại Luxembourg và Hiệp hội doanh nghiệp Vương quốc Bỉ-Luxembourg tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Luxembourg, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Đại công quốc Luxembourg tới Việt Nam, thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp hai nước.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Xavier Bettel bày tỏ mong muốn tìm kiếm các cách thức hợp tác trong lĩnh vực Chuyển đổi Xanh và Chuyển đổi Kỹ thuật Số, đồng thời nhấn mạnh thực tế là phát triển và số hóa phải đi đôi với nhau.
Chuyến thăm Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh của Thủ tướng Bettel cũng nêu bật những thế mạnh hợp tác về tài chính xanh và bền vững giữa hai nước chúng ta.
- Theo Bộ trưởng, Việt Nam và Luxembourg cần làm gì để phát triển hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới?
Bộ trưởng Jean Asselborn: Việt Nam hiện đã là đối tác quan trọng của Luxembourg. Vào tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức tới Luxembourg cùng với một phái đoàn kinh tế lớn của Việt Nam.
Đoàn nhận thấy Luxembourg có thể trở thành cửa ngõ chiến lược cho các công ty Việt Nam muốn xuất khẩu hoặc hoạt động tại châu Âu. Họ sẽ có thể được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở kinh tế vững chắc, môi trường làm việc năng động và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở thị trường châu Âu trong những điều kiện tốt nhất.
Chuyến thăm tới Luxembourg của Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, ông Hồ Đức Phớc, vào tháng 7 vừa qua, cùng với giám đốc các ngân hàng đại chúng và tư nhân lớn của Việt Nam cho thấy sự quan tâm và cơ hội mà trung tâm tài chính của chúng tôi mang lại cho các công ty tài chính ở Việt Nam. Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng là tâm điểm chú ý của chúng tôi.
Một phái đoàn từ House of Fintech cũng đã đến Việt Nam vào cuối tháng 8 và gặp gỡ những doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này hiện đang mong muốn hợp tác lâu dài với Luxembourg.
Cuối cùng, tôi cũng xin nhắc lại chuyến thăm Luxembourg vào tháng 6 của bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành Tập đoàn Vinfast, cũng như chuyến thăm của Đoàn Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam tháng 7, hay chuyến thăm do Sáng kiến Toàn cầu Tăng trưởng Xanh (GGGI) tổ chức vào tháng 10 vừa qua, với sự tham dự của đông đảo đại diện ngành tài chính Việt Nam, tập trung vào tài chính bền vững và tài chính tác động. Tất cả những chuyến thăm này đều rất hiệu quả.
Luxembourg ngày nay có một cộng đồng gồm hàng trăm công dân Việt Nam. Một số đến học tập và quyết định tiếp tục ở lại làm việc, đóng góp theo cách riêng của mình vào sự đổi mới và phát triển của các công ty sở tại. Nhiều thành viên trong gia đình họ đã đến thăm Luxembourg trong những năm qua và đã giúp củng cố tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta.
Để phát triển hơn nữa quan hệ song phương với Việt Nam, Luxembourg thực sự hy vọng rằng sẽ có nhiều giao lưu hơn nữa giữa người dân, các trường đại học và doanh nghiệp của chúng tôi.
- Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới của Luxembourg là gì?
Bộ trưởng Jean Asselborn: Tôi tin rằng những nỗ lực hiện tại của chúng ta trong lĩnh vực vận tải hàng không, tài chính ngân hàng cũng như trong lĩnh vực Fintech hay nghiên cứu, khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục và thậm chí còn tăng tốc trong thời gian tới.
Ở cấp độ châu Âu, EU và các quốc gia thành viên đã nhận thấy sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn vào các phản ứng tập thể và thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Khi đề cập đến vấn đề Biến đổi Khí hậu, Luxembourg đưa ra những cam kết ngày càng quan trọng.
Trong nhiều năm, chúng tôi đã đẩy mạnh các giải pháp xanh và bền vững, đồng thời phát triển và thúc đẩy các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cũng như nền kinh tế tuần hoàn. Do đó, một số công ty Luxembourg và Việt Nam đã hợp tác để cung cấp các giải pháp xanh và sạch nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tuy nhiên, Luxembourg tin rằng cần phải tiếp tục và tăng cường nỗ lực để ứng phó với tác động nhiều mặt của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng và lũ lụt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam nói riêng.
Chính trong bối cảnh đó, cam kết 5 triệu USD của Luxembourg, được Thủ tướng Bettel công bố hồi tháng 5 tại Hà Nội, là nhằm hỗ trợ chương trình City Climate Gap Fund do Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) thực hiện.
Liên quan đến EIB, tôi muốn nhắc lại rằng trong hội nghị cấp cao ASEAN gần đây tại Jakarta (Indonesia), Phó Chủ tịch EIB Kris Peeters đã thông báo rằng một biên bản ghi nhớ đã được ký kết với việc Việt Nam mở đường cho khoản vay khung 500 triệu euro để tài trợ cho các chương trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam trong khuôn khổ Cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của châu Âu (JETP).
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.