Việt Nam-Trung Quốc nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước
Người phát ngôn cho biết 2 bên nhất trí xây dựng Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân 2 nước, vì sự nghiệp hòa bình của nhân loại.
Chiều 14/12, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi với Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng về Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân chuyến thăm của cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân; đặc biệt là nội hàm của việc hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Việt Nam-Trung Quốc.
Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết sau 15 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Hợp tác trên các lĩnh vực đạt nhiều tiến triển tích cực và toàn diện.
Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13/12 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện xây dựng Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Bà Phạm Thu Hằng cho biết hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng phát triển quan hệ giữa hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế; kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.
"Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới," Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định.
Về nội hàm của hợp tác Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Việt Nam-Trung Quốc, Người Phát ngôn cho biết các phương hướng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới trên bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực, các vấn đề toàn cầu cũng đã được nêu cụ thể trong Tuyên bố chung giữa hai nước.
Trong số 36 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết nhân chuyến thăm, có 2 văn kiện hợp tác về đường sắt. Đó là, Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam-Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Nói về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết hai bên đã nhất trí việc nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng-Hà Nội-Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.
Việc triển khai các dự án này sẽ góp phần tăng cường hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" và sáng kiến "Vành đai và Con đường"./.