Việt Nam tích cực đóng góp thúc đẩy hợp tác tài chính ASEAN
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác tài chính ASEAN từ những năm 1995 và đây có thể được xem là kênh hợp tác về tài chính sâu rộng nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác tài chính ASEAN từ những năm 1995 và đây có thể được xem là kênh hợp tác về tài chính sâu rộng nhất của Việt Nam hiện nay.
Với tư cách thành viên, Việt Nam đã cùng với các nước khác xây dựng và triển khai những hoạt động hợp tác đa lĩnh vực của ngành tài chính.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Indonesia bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 10 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 22-25/8, tại Jakarta, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết điểm sáng nổi bật trong hợp tác tài chính khu vực là Bộ Tài chính Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) nhiệm kỳ 2023-2024.
Cụ thể, Việt Nam đã cùng với các nước thành viên xây dựng định hướng hoạt động nhằm tăng cường hợp tác bảo hiểm ASEAN, đặc biệt là về bảo hiểm bền vững với mục tiêu nâng cao vai trò của ngành bảo hiểm trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững khu vực. Dự kiến, Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 sẽ diễn ra từ ngày 5-8/12/2023 tại Hạ Long.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho hay một trong những lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy của Việt Nam là tự do hóa dịch vụ tài chính chiều sâu. Mức độ cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam cũng thuộc nhóm đầu trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các khuôn khổ đàm phán với mục tiêu xây dựng thị trường ASEAN minh bạch và hội nhập sâu rộng.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định các nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính trong ASEAN đã đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ đối ngoại, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chính sách, góp phần nâng cao vị thế quốc gia và hỗ trợ cho các chính sách của ngành tài chính Việt Nam.
[ASEAN thảo luận biện pháp ứng phó với các đại dịch trong tương lai]
Liên quan đến AFMGM lần thứ 10, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, theo thông lệ hàng năm, AFMGM chỉ diễn ra một lần vào khoảng cuối tháng Ba hàng năm. Tuy nhiên, Chủ tịch ASEAN Indonesia đã đưa ra đề xuất tổ chức thêm một hội nghị vào quý 3 để tăng cường chỉ đạo giám sát các hoạt động hợp tác tài chính trong năm. Trước đó, tại AFMGM lần thứ 9 diễn ra vào ngày 31/3 vừa qua, các Bộ trưởng và Thống đốc đã hoan nghênh kế hoạch của Indonesia tổ chức Hội nghị AFMGM lần thứ hai trong năm nay vào tháng 8 tại Jakarta.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng đánh giá cao đề xuất của Indonesia và cho rằng đây là chuỗi hội nghị quan trọng, quyết định các vấn đề định hướng tiến trình hợp tác tài chính ASEAN trong giai đoạn nửa cuối 2023-2024.
Hội nghị lần này đóng vai trò là bước đệm giúp củng cố hơn nữa hiệu quả hợp tác tài chính khu vực, tạo cơ hội cho các Bộ trưởng và Thống đốc cùng thảo luận và đưa ra những chỉ đạo trực tiếp, cụ thể về định hướng hoạt động tiếp theo của các nhóm công tác nhằm đạt được kế hoạch đã thông qua tại Hội nghị AFMGM vào tháng Ba vừa qua.
Bên cạnh đó, việc các Bộ trưởng và Thống đốc gặp mặt cũng là cơ hội để rà soát lại hoạt động của kênh tài chính một cách tổng thể trước khi báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 diễn ra vào tháng 9 tới.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng đánh giá rằng AFMGM lần thứ 10 đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ đề ra. Trước hết, chuỗi hội nghị lần này đã góp phần tăng cường thêm kết quả hợp tác tài chính khu vực.
Bên cạnh việc rà soát lại hoạt động của các nhóm công tác trong lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN với mục tiêu tăng cường khả năng phát triển thị trường vốn và tự do hoá hơn nữa dịch vụ tài chính khu vực, Việt Nam cũng đã có những đối thoại vô cùng cụ thể với đại diện các tổ chức quốc tế để đánh giá về bức tranh kinh tế vĩ mô khu vực và thế giới trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cũng đánh giá cao sáng kiến của Indonesia trong việc tăng cường công tác phối hợp liên bộ/ngành, trong đó nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ nhất.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan tài chính và y tế khu vực ASEAN nhằm tăng cường năng lực y tế khu vực ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai là vô cùng cần thiết.
Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, đối với Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn để chống lại đại dịch COVID-19, khu vực tài chính đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực ngăn chặn dịch bệnh thông qua các chương trình tiêm vaccine; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngay từ tháng 5/2021 khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 và giao cho Bộ Tài chính quản lý để điều phối các nguồn lực tài chính tài trợ cho hoạt động nhập khẩu vaccine và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước nhằm cung cấp đủ vaccine cho phòng chống dịch.
Hoạt động của Quỹ được cập nhật thường xuyên và công bố công khai minh bạch, cả về việc huy động cũng như sử dụng quỹ. Quỹ vaccine đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kết quả thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch vừa qua.
Trưởng Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam tại AFMGM lần thứ 10 khẳng định Hội nghị sẽ giúp đưa ra được những giải pháp chính sách phù hợp nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa nhu cầu y tế thực tế và năng lực tài chính sẵn có của các quốc gia thành viên.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cũng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo cơ quan kho bạc ASEAN lần đầu tiên để thảo luận về việc thành lập Diễn đàn Kho bạc ASEAN, cho rằng đây sẽ là bước đệm quan trọng để giúp khu vực ASEAN sớm xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác, hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực kho bạc về các vấn đề quan tâm chung như quản lý kho bạc và tài chính công, số hóa quản lý tài chính công hay hỗ trợ tài chính bền vững./.