Việt Nam tham dự phiên đối thoại Nga-ASEAN tại EEF 2023
Nhu cầu phát triển khu vực Viễn Đông của Nga là rất lớn, tập trung vào các cơ sở hạ tầng chiến lược như hệ thống cảng biển, giao thông, nhà ở, hệ thống vận tải…, đây là cơ hội cho ASEAN và Việt Nam.
Ngày 11/9, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế phương Đông (EEF 2023) đã diễn ra phiên đối thoại Nga-ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Liên bang Nga nói chung, khu vực Viễn Đông của Nga nói riêng với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Phiên họp có sự tham dự của các quan chức, chuyên gia, học giả Nga, cũng như các đại diện của Việt Nam, Lào, Philippines, Myanmar...
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Thành Trung dẫn đầu.
Năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 5 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Nga với ASEAN. Trong quá trình chuyển đổi của hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay, Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại cũng như hợp tác kinh tế với ASEAN.
Các ưu tiên bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn, các vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển thành phố thông minh và tăng cường hợp tác trong khoa học và giáo dục.
Các khu vực Viễn Đông của Nga có lợi thế cạnh tranh lớn trong nhiều ngành công nghiệp và nhờ vị trí địa lý, có thể biến sự hợp tác chặt chẽ hiện có với các nước Đông Nam Á thành các kết quả kinh tế, khoa học và giáo dục hữu hình.
Tại phiên đối thoại, ông Sergey Katyrin, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga khẳng định giữa Nga với ASEAN có rất nhiều tiềm năng phát triển hợp tác, song tỷ trọng thương mại song phương chỉ chiếm chưa đầy 1%.
Các diễn giả Nga cũng nhấn mạnh tới chuyển đổi số, thành phố thông minh, công nghệ tiên tiến và du lịch là những lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng mạnh giữa Nga với ASEAN, song vẫn còn những hạn chế nhất định cần phải giải quyết như vấn đề thanh toán quốc tế, vận tải, lệnh trừng phạt đối với Nga…
[Đoàn Việt Nam dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Phương Đông lần thứ 8]
Tổng Giám đốc công ty Nhà điều hành sinh thái Nga - công ty lớn của Liên bang Nga chuyên về kinh tế tuần hoàn, ông Denis Butsaev - cho biết lĩnh vực này đang thu hút sự quan tâm của một số nước ASEAN.
Cụ thể mùa Thu năm nay, công ty sẽ thảo luận vấn đề nghiên cứu, đánh giá, xây dựng cơ sở xử lý rác thải rắn và rác thải công nghiệp tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại phiên đối thoại, Tiến sỹ Alexander Korolev, chuyên gia về ASEAN của Đại học tổng hợp Trường Kinh tế Cao cấp (HSE) cho rằng trước sự cạnh tranh, Liên bang Nga phải đưa một số định dạng, sản phẩm mới để tiếp cận thị trường ASEAN.
Theo Tiến sỹ Korolev, Việt Nam là quốc gia quan trọng trong ASEAN vì chỉ có Việt Nam thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Liên bang Nga.
Tiến sỹ Korolev cũng cho rằng trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao là những lĩnh vực có thể trở thành động lực hợp tác giữa Nga và ASEAN, đặc biệt là thương mại điện tử, thỏa thuận về thương mại điện tử, các nền tảng giao dịch kỹ thuật số mà Nga phát triển trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAE) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), hay những sản phẩm như sản phẩm của công ty Kaspersky ở Nga, các công nghệ mới, các giải pháp đám mây …
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Đỗ Thành Trung cho rằng Diễn đàn Kinh tế phương Đông tập trung vào rất nhiều nội dung là xu thế phát triển chung hiện nay của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đơn cử như sử dụng năng lượng hiệu quả để phục vụ cho phát triển; ứng dụng các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh…
Đặc biệt các nước quan tâm rất nhiều đến lĩnh vực Chuyển đổi Số để phục vụ cho đời sống, dân sinh và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Nga cũng giới thiệu tiềm năng rất lớn của khu vực Viễn Đông cho các nước ASEAN, trong đó tập trung nhiều về lợi thế khu vực này như có vị trí địa chính trị tốt, hệ thống hạ tầng cơ sở đã được phát triển lâu dài, có thể kết nối rất nhanh với khu vực châu Á và ASEAN.
Đây cũng là vùng đất rất rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có, dân cư còn thưa thớt. Nhu cầu phát triển khu vực Viễn Đông của Nga là rất lớn, đặc biệt tập trung vào các cơ sở hạ tầng chiến lược như hệ thống cảng biển, giao thông, nhà ở, hệ thống vận tải…
Đây là cơ hội không chỉ cho ASEAN, cho Việt Nam mà cả các quốc gia khác.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, qua thăm một số nơi có thể thấy hàng hóa Việt Nam được bày bán ở rất nhiều siêu thị tại khu vực Viễn Đông của Nga. Và đây có thể là lợi thế lớn cho doanh nghiệp Việt Nam để tăng cường hơn nữa hoạt động đầu tư, thương mại.
Cơ hội làm ăn kinh tế ở khu vực này không chỉ bó hẹp trong những lĩnh vực mà Việt Nam có truyền thống với Nga mà cả những lĩnh vực khác.
Về tiềm năng phát triển du lịch giữa Liên bang Nga và ASEAN, các đại biểu đã nhắc đến sự kiện mở lại đường bay thẳng giữa Nga với Myanmar sau 30 năm.
Thị trưởng thành phố Ceibu của Philippines, ông Michael Lopez Rama đề xuất lập đường bay thẳng Vladivostosk-Ceibu đồng thời mời du khách Nga đến với thành phố này cũng như đất nước Philippines.
Đề cập đến tiềm năng hợp tác du lịch, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng Viễn Đông là khu vực ít người Việt Nam đã khám phá và thực sự có tiềm năng du lịch to lớn.
Đây là cơ hội không chỉ cho khách du lịch Việt Nam mà cả doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm của mình ở khu vực này.
Nếu việc đi lại giữa Việt Nam với Viễn Đông trở nên thuận lợi, đây là không chỉ là cơ hội phát triển du lịch giữa Việt Nam và Viễn Đông mà còn có thể thu hút được người dân ở khu vực này đi du lịch Việt Nam./.