Việt Nam nỗ lực thi đấu, giành suất tham dự Olympic Paris 2024
Ngoài 5 suất chính thức của các VĐV bơi, xe đạp, bắn súng và Boxing, Thể thao Việt Nam đang đặt kỳ vọng vào các nội dung như cầu lông, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, bóng bàn dự Olympic Paris 2024.
Tháng Bảy tới, Olympic Paris 2024 sẽ chính thức khởi tranh. Các vận động viên Việt Nam vẫn đang "căng mình" thi đấu, tập luyện, để đạt mục tiêu giành từ 12-15 suất tham dự Olympic.
Ngoài 5 suất chính thức của các vận động viên: Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (Boxing), Thể thao Việt Nam đang đặt kỳ vọng vào các nội dung như cầu lông, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, bóng bàn...
Thể dục dụng cụ hướng tới mục tiêu “khiêm tốn”
Năm 2023, Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam giành 4 ngôi vô địch đơn và đồng đội tại SEA Games 32, tiếp theo đó là Huy chương Bạc lịch sử của vận động viên Nguyễn Văn Khánh Phong tại ASIAD 19. Đó là lý do để các vận động viên Thể dục dụng cụ Việt Nam đặt mục tiêu tranh vé tham dự Olympic Paris 2024. Đây không hề là ước mơ xa vời khi môn thể thao này từng có vận động viên vượt qua vòng loại và góp mặt ở 3 kỳ Olympic liên tiếp (năm 2012, 2016 và 2020)…
Xác định tính chất khắc nghiệt của cuộc đua đến Paris, Đội tuyển Thể dục dụng cụ nam sớm chuẩn bị kế hoạch, chiến lược cụ thể cho hành trình dài hơi này. Ngoài chuyến tập huấn kéo dài 10 ngày tại Nhật Bản tháng 11/2023 theo lời mời của Liên đoàn Thể dục Nhật Bản, Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam hầu như chỉ tập trung tập luyện trong nước.
Vận động viên Nguyễn Văn Khánh Phong chia sẻ việc tìm kiếm suất tham dự Olympic đang là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các thành viên. Mỗi người đều áp dụng các bài tập chuyên môn mới với sự nâng cao cả về khối lượng và giáo án. Dù khả năng lọt vào các vị trí có thể giành vé tham dự Thế vận hội là rất khó khăn nhưng Khánh Phong vẫn có niềm tin anh và các đồng đội có thể hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Với các giải đấu trong năm 2024, Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam sẽ tham dự các giải Cup thế giới (World Cup) và Giải Vô địch châu Á 2024. Đây đều là những giải cho vòng loại Olympic với sự cạnh tranh rất cao từ những vận động viên hàng đầu. Với Cup thế giới, mỗi vận động viên tham dự ở từng nội dung phải xếp ở vị trí đầu tiên, còn với Giải Vô địch châu Á 2024, các vận động viên sẽ phải tranh suất chính thức Olympic ở nội dung toàn năng và chỉ có người xếp vị trí cao nhất giành quyền tham dự thế vận hội.
Huấn luyện viên Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang khẳng định Đội đã có thành tích khá tốt tại ASIAD ở nội dung vòng treo của Nguyễn Văn Khánh Phong.
Sau giải đấu, Ban huấn luyện đã đánh giá lại trình độ của các vận động viên ở từng nội dung xét trên mặt bằng chung của khu vực châu Á và thế giới. Ở mỗi đấu trường, thành tích của các vận động viên chịu sự cạnh tranh rất khác nhau. Ban Huấn luyện đang dồn toàn lực vào các nội dung có khả năng cạnh tranh suất ở các giải đấu còn lại để đạt được mục tiêu “khiêm tốn” là giành 1 suất tham dự Olympic.
Cơ hội trở lại với bóng bàn Việt Nam
Trước đây, bóng bàn Việt Nam đã 2 lần có đại diện tham dự Olympic, lần đầu vào năm 2004 tại Athens, Hy Lạp; lần thứ 2 vào năm 2008 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tay vợt duy nhất của Việt Nam có vinh dự được góp mặt ở 2 kỳ thế vận hội là Đoàn Kiến Quốc, người đang đảm trách vai trò Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng bàn Quốc gia hiện tại. Hai tấm vé Olympic mà Đoàn Kiến Quốc từng giành được cũng chính từ giải đấu tuyển chọn của Đông Nam Á.
Với quyết tâm giành vé tham dự Olympic, các tay vợt hàng đầu của bóng bàn Việt Nam đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho cuộc tranh tài cùng các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á diễn ra vào đầu tháng 5 tại Thái Lan. Đây là giải đấu nằm trong hệ thống tính điểm giành vé Olympic Paris 2024.
Cụ thể, tại giải đấu thuộc vòng loại Olympic 2024 khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 6-8/5, Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF) sẽ trao 1 vé nội dung đơn nam, 1 vé nội dung đơn nữ tham dự Olympic Paris 2024 cho tay vợt giành thứ hạng cao nhất - tức là giành Huy chương Vàng ở mỗi nội dung cá nhân.
Theo giới chuyên môn, cuộc thi đấu này có quy mô giống Giải Vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games, điều thuận lợi hơn là các tay vợt xuất sắc nhất của Singapore, Thái Lan đã giành vé dự Olympic sẽ không góp mặt. Đây là cơ hội cho các tay vợt Việt Nam để hiện thực hóa giấc mơ giành vé tham dự Olympic Paris 2024.
Để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng này, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, bộ môn Bóng bàn, Cục Thể dục Thể thao, các Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về tập luyện, chăm sóc thể lực, dinh dưỡng cho 4 tay vợt: Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh (nữ) và Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng (nam).
Ngay từ đầu năm, cả 4 vận động viên này đã tập trung lên Đội tuyển Quốc gia và tập luyện tại Hà Nội. Đây là những nhà vô địch ở các giải đấu có chất lượng chuyên môn cao nhất của bóng bàn Việt Nam hiện tại.
Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng bàn Quốc gia Đoàn Kiến Quốc chia sẻ thời gian qua, 4 tay vợt tập trung vào các giáo án nhằm nâng cao thể lực và hoàn thiện kỹ thuật để sẵn sàng tập huấn nâng cao tại Nam Ninh, Trung Quốc. Hiện, các tay vợt đều đang có tâm lý tốt khi nhận thấy cơ hội tranh vé dự Olympic 2024 rộng mở, quá trình chuẩn bị thuận lợi. Điều đó giúp các vận động viên tự tin bước vào giải đấu với phong độ tốt nhất.
Chuyến tập huấn tại Trung Quốc sẽ giúp các tay vợt tập luyện, thi đấu cọ xát với các vận động viên có trình độ cao để hoàn thiện trình độ chuyên môn. Sau 16 năm vắng mặt tại Olympic do Liên đoàn Bóng bàn thế giới thay đổi thể thức thi đấu, tuyển chọn (mở rộng thêm giải đấu cấp khu vực, không bó khung ở giải cấp châu lục như trước đây), cơ hội trở lại thế vận hội đang mở ra với bóng bàn Việt Nam.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng với việc so tài với các đối thủ được đánh giá vừa tầm, hy vọng các tay vợt nước ta sẽ thi đấu thăng hoa, mang về thành tích cao cho Bóng bàn Việt Nam.../.