Việt Nam-New Zealand: Phấn đấu đạt kim ngạch 2 tỷ USD vào năm 2024
Tính đến nay, New Zealand có 39 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 209,75 triệu USD, trong khi Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand.
Ngày 23/5, Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-New Zealand (JTEC) diễn ra tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand đồng chủ trì.
Tại kỳ họp lần này, Việt Nam-New Zealand tiếp tục rà soát tình hình hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, du lịch, hàng không, lao động...
[Quan hệ hợp tác Việt Nam-New Zealand còn nhiều dư địa và tiềm năng]
Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết Việt Nam và New Zealand đều đang là những nền kinh tế năng động và đang tiến hành các biện pháp cải cách rất mạnh mẽ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có để ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.
Hai bên nhận định kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-New Zealand năm 2022 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 2 tỷ USD vào năm 2024.
Về thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand và thương mại hai chiều đã tăng 59% trong 5 năm qua, đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2022.
Tính đến nay, New Zealand có 39 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 209,75 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand, tổng vốn đăng ký 38,4 triệu USD (tập trung các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, dịch vụ lưu trú...).
Tại kỳ họp lần này, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và kinh tế, bao gồm đàm phán thương mại đa phương, nông nghiệp và kinh doanh nông sản, công nghệ sạch, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, giáo dục, hàng không và du lịch.
Bên cạnh nội dung hợp tác song phương, hai bên đã trao đổi một số vấn đề hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, trong đó sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)./.