'Việt Nam là nước chủ nhà hoàn hảo cho Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu'
Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 là cơ hội để đại biểu các nước chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để cùng tìm ra giải pháp cho các vấn đề chung của các quốc gia.
Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 đã đến rất gần. Các đoàn đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đang lần lượt có mặt tại Hà Nội để cùng thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo.
Trong quá trình tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị cho hội nghị, bà Zeina Hilal, cán bộ Ban Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những mục tiêu trọng tâm của sự kiện này.
Tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu
- Thưa bà Zeina Hilal, bà có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của Quốc hội Việt Nam cho Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9?
Bà Zeina Hilal: Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam đã đồng hành cùng IPU tổ chức sự kiện Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9, một sự kiện quốc tế đặc thù dành cho thế hệ trẻ.
Tôi nhận thấy công tác chuẩn bị của nước chủ nhà rất chu đáo, ấn tượng, chuyên nghiệp, cho thấy rằng các bạn đã dành nhiều tâm huyết và trách nhiệm cho sự kiện này.
[Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9: Việt Nam đã sẵn sàng]
Tôi rất cảm kích bởi các cấp lãnh đạo của Việt Nam không chỉ hỗ trợ việc tổ chức hội nghị mà còn dành sự tin tưởng, trao quyền cho giới trẻ. Minh chứng rõ rệt nhất là hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu quốc tế.
Cụ thể, có hơn 200 nghị sỹ đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 30% là nữ; ngoài ra còn có 300 đại biểu đến từ 80 đoàn khác nhau bao gồm các cơ quan nghị viện, các diễn đàn nghị viện, liên nghị viện và các tổ chức thanh niên. Đây không chỉ là những con số mà còn thể hiện rằng nhiều đại biểu thực sự quan tâm và mong muốn đóng góp ý kiến trong những chủ đề quan trọng về Chuyển đổi số, Đổi mới Sáng tạo để thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Theo tôi được biết, các đại biểu và thành viên IPU đều đang rất hào hứng mong chờ được đến dự hội nghị.
Việc phối hợp, đồng tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 là minh chứng cho tình hữu nghị giữa IPU và Quốc hội Việt Nam. Ban Thư ký IPU cũng phối hợp tích cực với Quốc hội Việt Nam trong công tác chuẩn bị. Chúng tôi rất vui vì được làm việc với một nước chủ nhà nhiệt tình, có trách nhiệm như Việt Nam.
- Bà có đánh giá như thế nào về các chủ đề mà Quốc hội Việt Nam đưa vào các phiên thảo luận?
Bà Zeina Hilal: Với chủ đề “Vai trò của Giới Trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo,” hội nghị sẽ có các phiên thảo luận về Chuyển đổi Số; Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp; Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Chủ đề tại hội nghị lần này rất quan trọng và cũng là vấn đề giới trẻ rất quan tâm. Việt Nam lồng ghép rất hiệu quả các chuyên đề này trong các phiên thảo luận tại hội nghị.
Đây là cơ hội để đại biểu các nước chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để cùng tìm ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Họ sẽ không chỉ chia sẻ về những thành công, mà còn nêu ra những thách thức để cùng thảo luận và đi đến những chính sách, chiến lược hiệu quả.
- Bà có kỳ vọng như thế nào về kết quả của hội nghị?
Bà Zeina Hilal: Tôi tin hội nghị sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn trên quy mô toàn cầu. Tuyên bố Hội nghị sẽ là cam kết mạnh mẽ, là lộ trình rõ ràng để chúng ta cùng hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Vai trò kiến tạo của người trẻ
- Bà có suy nghĩ như thế nào về vai trò của thanh niên trong việc thúc đẩy thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững?
Bà Zeina Hilal: Đây là lực lượng tiên phong, có nhiều sáng kiến, thích ứng nhanh với công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra sự bình đẳng, việc làm, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu…, chẳng hạn như trong đại dịch COVID-19, họ đã đưa ra những giải pháp, chính sách kịp thời cung cấp các dịch vụ giáo dục trực tuyến cho trẻ em.
Công nghệ có thể tạo ra nhiều việc làm mới đồng thời cũng khiến cho nhiều việc làm truyền thống bị mất đi. Trước tình hình đó, các nghị sỹ trẻ sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý cần thiết, hoạch định các công cụ chính sách để tận dụng được tối ưu những lợi ích mà Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo đem lại để thích ứng với sự thay đổi này.
- Mới đây, Quốc hội Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ Nhất. Bà có suy nghĩ như thế nào về sáng kiến này?
Bà Zeina Hilal: Đó là một ý tưởng rất hay để nâng cao nhận thức cho trẻ em về chính trị, Quốc hội và các vấn đề toàn cầu, từ đó thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào sự phát triển của đất nước. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng vì Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, nên việc trẻ em có ý thức sớm về chính trị, xã hội sẽ giúp các em sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
- Tôi được biết rằng bà đã từng đến Việt Nam năm 2015 để tham dự Đại hội đồng IPU-132. Lần này trở lại, bà có ấn tượng như thế nào về sự thay đổi tại Việt Nam?
Bà Zeina Hilal: Tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng tốt đẹp, vẫn y như lần đầu tiên đến Việt Nam. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua và Việt Nam cũng vậy.
Chính phủ và Nhân dân Việt Nam luôn nhìn về phía trước, có những chiến lược để thích ứng với các vấn đề toàn cầu.
Tôi rất vui được trở lại Việt Nam trong Hội nghị Nghị sỹ Trẻ toàn cầu lần thứ 9.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.