Việt Nam ký 4 nghị định thư nông nghiệp, thỏa thuận môi trường với Trung Quốc

4 nghị định thư nông nghiệp, 3 thỏa thuận môi trường trên được ký trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, trong hai ngày từ 14-15/4/2025.

Công nhân nhà máy Doveco Gia Lai thu hoạch chanh leo. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngày 15/4, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (từ ngày 14-15/4), cơ quan này đã ký 3 thỏa thuận hợp tác về bảo vệ môi trường và địa khoa học, cùng với 4 nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc.

Các nghị định thư được ký kết gồm: Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch động, thực vật đối với cám gạo và cám gạo chiết ly làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuất khẩu của từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng ký Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ môi trường với Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì Thoả thuận hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường Hải đảo Vịnh Bắc Bộ. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác với Cục địa chất Trung Quốc về địa khoa học.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Minh chứng là trong năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt Nam. Tính riêng 11 tháng, sầu riêng đứng đầu với hơn 2,84 tỷ USD, thanh long khoảng 320 triệu USD, chuối 220 triệu USD, mít 240 triệu USD.

Hiện 14 loại nông sản Việt đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, 6 mặt hàng hai bên đã ký Nghị định thư xuất khẩu (bao gồm dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi và khoai lang) và 6 mặt hàng truyền thống chưa được chuẩn hóa bằng Nghị định thư xuất khẩu (thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít). Riêng mặt hàng chanh leo, ớt đang được xuất khẩu thí điểm.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Riêng trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 4 nghị định thư bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xuất khẩu cá sấu, xuất khẩu khỉ (nhân chuyến thăm Trung Quốc, từ 18-20/8/2024 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm); và Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi (được ký ngày 6/6/2024) nhân chuyến thăm làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam của lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hợp tác sâu rộng với các cơ quan của Trung Quốc trên các lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản, biển và hải đảo, môi trường, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ và viễn thám.

Gần đây, từ ngày 22-25/3/2025, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Lý Quốc Anh đã dẫn đầu đoàn công tác sang thăm Việt Nam và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Tại cuộc gặp, lãnh đạo 2 bộ đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt quản lý, điều tiết nước sông Mekong - Lan Thương./.