Việt Nam-Italy xúc tiến thương mại và kết nối giao thương ngành da, giày
Đại sứ Italy tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh xuất khẩu ngành da và giày, nên kết nối giao thương trong ngành này sẽ đóng góp vào quan hệ thương mại hai bên.
Trong 3 ngày 10-12/7, Thương vụ Italy tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ cho ngành da giày Italy (Assomac), Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso Việt Nam), cùng một số đơn vị khác tổ chức chuỗi chương trình xúc tiến thương mại và kết nối giao thương ngành da và giày tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Agostino Apolito, Giám đốc điều hành Hiệp hội Assomac, với vai trò là cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp Italy ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, Assomac không ngừng nỗ lực kết nối cộng đồng doanh nghiệp Italy với nhiều hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam. Assomac chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp Italy đẩy mạnh giới thiệu những điểm mới nổi trội của công nghệ đến thị trường Việt Nam, nhất là công nghệ đáp ứng được yêu cầu khắt khe về môi trường và phát triển bền vững.
Ông Agostino Apolito chỉ ra rằng ngày nay vấn đề về số hóa và môi trường không chỉ là yêu cầu của các Chính phủ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ mà còn là xu thế tất yếu trong ngành da và giày, nên cần có sự chuyển giao công nghệ giữa các nước trên hành trình phát triển bền vững, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Do đó, Assomac sẽ hợp tác với Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso Việt Nam) và một số đơn vị xây dựng lộ trình cụ thể cho những tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo với những chương trình hành động thiết thực để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Italy và Việt Nam tăng cường hợp tác cùng phát triển ngành da và giày.
Liên quan đến chuỗi chương trình xúc tiến thương mại và kết nối giao thương ngành da và giày tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này, Đại sứ Italy tại Việt Nam Marco Della Seta đánh giá Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh xuất khẩu ngành da và giày, nên kết nối giao thương trong ngành này sẽ đóng góp vào quan hệ thương mại hai bên. Về phía Italy, đã và đang nhập khẩu nhiều sản phẩm da và giày Việt Nam, kể cả thành phẩm và bán thành phẩm.
“Trong thời gian qua, Italy đã cùng các đơn vị trong ngành da và giày Việt Nam thành lập Trung tâm công nghệ giày Việt-Italy tại tỉnh Bình Dương và đây nơi chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn lao động da và giày Việt Nam. Trung tâm này, được trang bị máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ mới nhất nhập khẩu trực tiếp từ Italy và châu Âu sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành da và giày Việt Nam có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới," ông Marco Della Seta cho biết thêm.
Thống kê những năm gần đây, Thương vụ Italy tại Việt Nam đã tổ chức cho cộng đồng doanh nghiệp Italy tham dự nhiều hội chợ hội chợ, triển lãm thường niên tại Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ Italy tại Việt Nam liên tục cập nhật thông tin thị trường Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp Italy.
Thương vụ Italy tại Việt Nam cũng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Italy tận dụng cơ hội tại chuỗi hội chợ, triển lãm để tìm kiếm đối tác, nguồn cung… Ngành Da và Giày Việt Nam là ngành năng động và hấp dẫn tại ASEAN, nên trong năm 2024, Thương vụ Italy tại Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại.
Điển hình, tại chuỗi Hội chợ triển lãm quốc tế da và giày lần thứ 24 - Việt Nam (SHOES & LEETHER-VIETNAM), kết hợp hội chợ-triển lãm quốc tế sản phẩm thành phẩm da và giày Việt Nam (IFLE-VIETNAM) diễn ra ở Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 10-12/7, Thương vụ Italy tại Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Assomac tổ chức khu vực gian hàng của các doanh nghiệp Italy có sự tham gia của 18 đơn vị hàng đầu trong ngành da và giày.
Các đơn vị tham gia chuỗi hội chợ triển lãm tập trung trưng bày đa dạng máy móc, thiết bị phụ trợ và máy móc tự động hóa cho ngành thuộc da; đồng thời với sản phẩm, công nghệ tiên tiến, giải pháp sáng tạo cho ngành sản xuất giày…
Còn tại hội thảo “Tương lai ngành da và giày” cũng do Thương vụ Italy tại Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Assomac, Lefaso Việt Nam tổ chức ngày 12/7, nhiều doanh nghiệp Italy đã có cơ hội giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm và công nghệ sản xuất đến doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Italy không chỉ được tạo điều kiện trao đổi trực tiếp, mà còn có cơ hội tiếp cận thông tin ngành da và giày từ những chuyên gia trong và ngoài nước.
Cụ thể, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso Việt Nam cho hay, ngành da và giày Việt Nam đang thuộc top 5 ngành lớn tại Việt Nam và duy trì vị thế đứng thứ 2 về xuất khẩu trên thị trường toàn cầu. Dự kiến đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách của Việt Nam sẽ đạt 38-40 tỷ USD.
Hiện nay, cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da và giày Việt Nam còn rất lớn, nhưng xu hướng “xanh hoá” trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp ngành da và giày đang chịu áp lực chuyển đổi xanh ngày càng lớn, nhất là bài toán tác động lên môi trường.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác hiệu quả những điều kiện thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp Italy để không chỉ nhận chuyển giao công nghệ mà còn nắm bắt các tiêu chuẩn mới và sẵn sàng “hộ chiếu xanh” gia nhập vào thị trường châu Âu.
Đặc biệt, hội chợ triển lãm là một trong những kênh hiệu quả giúp doanh nghiệp Italy và Việt Nam thúc đẩy giao thương đi vào chiều sâu như về những tiêu chuẩn ngành hàng, công nghệ sản xuất… đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và thị hiếu của người tiêu dùng các nước sở tại./.