Việt Nam-Hungary tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực
Ông Zsigmond Barna Pál nhấn mạnh, Hungary hiện có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam và rất muốn nâng tầm hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, văn hóa và kinh tế.
Ngày 18/1 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hungary. Đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua.
Nhân dịp này, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam từ ngày 14-16/1/2024, ông Zsigmond Barna Pál, Thứ trưởng, Quốc vụ khanh phụ trách quan hệ Quốc hội của Bộ Các vấn đề châu Âu Hungary đã có những trao đổi với báo chí về những nội dung liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
- Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sắp có chuyến thăm chính thức Hungary sau khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ông cho biết ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ song phương giữa hai nước?
Ông Zsigmond Barna Pál: Tôi cho rằng đây là một chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử. Hungary hiện có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam và mong muốn nâng tầm hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, văn hóa và kinh tế.
Tôi cho rằng hai nước có nhiều điểm chung cũng như có ý tưởng cần được chia sẻ, bao gồm cả những giải pháp mà Việt Nam và Hungary đối mặt với thách thức lớn của thế giới hiện nay. Ngoài ra, giáo dục cũng đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ song phương nhiều mặt giữa Hungary và Việt Nam.
Quan hệ giáo dục đã có từ vài thập kỷ trước. Trụ cột trong hợp tác phát triển và các chính sách hỗ trợ của Hungary dành cho Việt Nam là chương trình học bổng Stipendium Hungaricum, qua đó Hungary cung cấp 200 suất học bổng hằng năm cho sinh viên Việt Nam. Tôi rất vui khi chương trình này được giới trẻ Việt Nam quan tâm.
Hằng năm chúng tôi nhận được hơn 400 đơn đăng ký, nhiều hơn gấp đôi so với hạn ngạch được phân bổ. Chúng tôi vui mừng chào đón những sinh viên đầy tham vọng của Việt Nam, những người trong tương lai có thể đóng vai trò là cầu nối giữa hai nước và góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ vốn đã thân thiết giữa hai quốc gia.
Hơn nữa, chúng tôi đã triển khai hai dự án tín dụng hỗ trợ kèm theo rất thành công, bao gồm một nhà máy xử lý nước được xây dựng tại tỉnh Quảng Bình, cung cấp nước uống an toàn cho cộng đồng và hệ thống đăng ký dân cư tại thành phố Hải Phòng. Đến nay, người dân Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ thành quả của cả hai dự án này.
Ngoài ra còn có khuôn khổ hợp tác giữa Văn phòng Tổng công tố Hungary và Bộ Tư pháp Việt Nam, trong đó phía Hungary cung cấp chương trình đào tạo sau đại học 10 tháng tại Đại học Công giáo Pázmány Péter dành riêng cho việc đào tạo các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp.
- Hungary coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong các chính sách phát triển quốc tế, vậy ông có thể cho biết thêm chi tiết về các chính sách này?
Ông Zsigmond Barna Pál: Tôi vừa đề cập tới hai dự án đã thực hiện. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cho một số dự án chung. Cho đến nay, tôi thấy rằng những cuộc gặp cấp cao giữa hai nước có thể mang lại cơ hội tốt để xây dựng các dự án chung mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam và người dân Hungary.
Tôi nhận thấy hợp tác và hỗ trợ tư pháp là một trong những ưu tiên mà Hungary dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Tôi cũng vui mừng khi thấy có một mối quan hệ tích cực đặc biệt giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan lập pháp giữa hai nước. Chỉ trong vài tháng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hungary, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Hungary và Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary đều đã đến thăm Việt Nam.
Hai quốc gia cam kết duy trì việc trao đổi thường xuyên các phái đoàn tư pháp cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại tích cực giữa hai bên trong lĩnh vực này trong tương lai. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều chuyến thăm cấp cao khi hai quốc gia kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
- Cộng đồng người Việt Nam ở Hungary có khoảng 10.000 người. Vậy theo quan điểm của ông, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở Hungary trong mối quan hệ song phương là gì?
Ông Zsigmond Barna Pál: Hiện nay, chúng ta còn có người bạn tốt và là thành viên quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Hungary-Việt Nam trong quốc hội, ông Kristóf Szatmáry và là người tham gia nhiều vào việc xây dựng mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam và Chính quyền Hungary.
Trên thực tế, cộng đồng người Việt Nam đã hòa nhập tốt với xã hội Hungary và người Việt ở Hungary chủ yếu sống và làm việc tại thủ đô Budapest, điều đó đã khiến thủ đô của Hungary trở thành một nơi đầy màu sắc và sinh động về văn hóa. Nhiều thành viên của cộng đồng làm việc trong lĩnh vực thương mại và phục vụ ăn uống. Người Việt ở địa phương rất được ngưỡng mộ vì thông thạo tiếng Hungary và một số người trong số họ đã nổi tiếng trong ngành công nghiệp âm nhạc Hungary. Thực sự có rất nhiều diễn viên và ca sỹ tài năng.
Và chắc chắn, Việt Nam nổi tiếng về ẩm thực. Chúng tôi đã trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời của Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở Budapest điều hành rất nhiều nhà hàng gia đình nổi tiếng trong thành phố. Và những nhà hàng này không chỉ là trung tâm của cộng đồng người Việt mà còn được nhiều người dân Hungary địa phương yêu thích.
- Ông có thể chia sẻ về định hướng phát triển quan hệ song phương trong tương lai?
Ông Zsigmond Barna Pál: Tôi cho rằng cuộc gặp cấp cao sắp tới giữa hai Thủ tướng hai nước có tầm quan trọng lịch sử. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ của chúng ta có thể được phát triển hơn nữa bằng cách xây dựng dựa trên sự hợp tác hiện có và quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Tiềm năng hợp tác về giáo dục, quốc hội, tài chính và tư pháp rõ ràng là rất nổi bật. Tiềm năng trong các lĩnh vực này có thể được triển khai thông qua sự tham gia của các bên liên quan.
Ngoài ra, các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, khoa học công nghệ và học thuật có thể được thực hiện thông qua các chương trình trao đổi chuyên gia hoặc các khóa đào tạo chung. Quan hệ kinh tế và thương mại có các cơ hội, triển vọng mới để làm sâu sắc hơn và tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hungary.
Thể thao là cầu nối giữa các dân tộc và nền văn hóa khác nhau. Hiện nay, hai bên đã thảo luận khá nhiều về hợp tác văn hóa, thể thao và các lĩnh vực khác. Do đó, chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau.
- Trân trọng cảm ơn ông!