Việt Nam-Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Solomon Greene, Phó Trợ lý thứ nhất, phụ trách lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chính sách của Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Hoa Kỳ.
Tại trụ sở Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Hoa Kỳ (HUD) tại thủ đô Washington DC của Mỹ mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Nguyễn Thanh Nghị và đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với ông Solomon Greene, Phó Trợ lý thứ nhất, phụ trách lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chính sách của HUD.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tại buổi làm việc, ông Greene đã giới thiệu tóm tắt cơ cấu tổ chức bộ máy của HUD, mối quan hệ với các bang cũng như các chương trình lớn đã và đang triển khai.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giới thiệu tóm tắt các chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng.
Trên cơ sở những thông tin về các hoạt động trọng tâm, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm, giải pháp chính sách liên quan đến lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị của hai nước.
Phía HUD đã chia sẻ những thách thức của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận và sở hữu nhà ở cho người dân. Nhà ở dành cho người có thu nhập thấp là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ bắt đầu triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển loại hình nhà ở này từ những năm đầu thế kỷ 20.
Trải qua thời gian, chính sách nhà ở nói chung và nhà ở dành cho người thu nhập thấp nói riêng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội Hoa Kỳ.
Quan điểm chung về tính hợp lý của chi phí của nhà ở giá rẻ đó là người dân không dùng quá 30% thu nhập của họ cho nhà ở.
Gia đình nào phải chi trả nhiều hơn 30% thu nhập cho nhà ở được coi như gặp khó khăn về giá nhà và có thể ảnh hưởng đến các khoản chi tiêu dành cho thực phẩm, quần áo, giao thông và chăm sóc sức khỏe.
Ở Hoa Kỳ, khoảng 12 triệu người, bao gồm cả người thuê và sở hữu nhà, hiện đang phải chi trả hơn 50% thu nhập cho nhà ở. Tình trạng khan hiếm nhà giá rẻ đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh chính sách nhà ở nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Các hộ gia đình tham gia vào các dự án nhà thuê giá rẻ trả 30% thu nhập cho chi phí thuê nhà. Phần chênh lệch (giữa 30% thu nhập của đối tượng thuê và giá thuê trung bình của thị trường) sẽ được chính phủ liên bang trả cho chủ đầu tư thông qua Voucher (Phiếu lựa chọn). Tiền thuê nhà hằng năm được điều chỉnh tăng theo chỉ số lạm phát của nền kinh tế.
Ngoài ra, Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu các khu nhà ở giá rẻ phải đảm bảo được việc hạn chế tiêu tốn năng lượng cũng như có vị trí dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông nhằm tiết giảm chi phí cho cư dân.
Chính phủ Hoa Kỳ hiện duy trì quỹ khoảng 83 tỷ USD để hỗ trợ chính quyền các bang phát triển nhà ở giá rẻ, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu riêng của chính quyền liên bang.
Để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, địa điểm phát triển các khu dân cư được lựa chọn kỹ càng.
HUD duy trì việc đánh giá, lập bản đồ các khu vực ngập lụt, rủi ro thiên tai, định kỳ cập nhật để cảnh báo cho các địa phương.
Bên cạnh đó, HUD cũng triển khai chương trình trị giá 800 triệu USD để cải tạo các công trình hiện hữu, nâng cao khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả, hạn chế tình trạng thất thoát năng lượng, giúp giảm chi phí năng lượng cho các chủ sử dụng.
Về phần mình, đoàn đại biểu của Bộ Xây dựng cũng đã chia sẻ các chính sách của Việt Nam trong phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư, kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Xây dựng luôn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác đầu tư xây dựng với các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sản phẩm bất động sản.
Qua trao đổi, hai bên đánh giá cao tiềm năng hợp tác và thống nhất sẽ cùng nghiên cứu để cụ thể hóa các chương trình hợp tác trong thời gian tới./.