Việt Nam-Đức thúc đẩy hợp tác về nguồn nhân lực và đào tạo nghề
Bộ trưởng Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật số bang Thüringen khẳng định sẽ ưu tiên việc tiếp nhận những học sinh Việt Nam đang học nghề tại Đức và tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam.
Trong hai ngày 15 và 16/6, đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức do Đại sứ Vũ Quang Minh dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc tại thành phố Erfurt, bang Thüringen, trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với bang miền Trung nước Đức này.
Đây là bang đầu tiên Đại sứ Vũ Quang Minh đến chào xã giao và làm việc chính thức với chính quyền bang kể từ khi nhậm chức vào tháng Ba vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Liên bang Đức, đón tiếp và làm việc với Đại sứ Vũ Quang Minh có các lãnh đạo chính quyền bang Thüringen gồm Thủ hiến bang, ông Bodo Ramelow; Chủ tịch Nghị viện bang, bà Birgit Keller; Bộ trưởng Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật số, ông Wolfgang Tiefensee; Bộ trưởng Giáo dục Thanh thiếu niên và Thể thao bang Helmut Holter cùng đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp (IHK) Thüringen và cộng đồng người Việt Nam tại Erfurt.
Tại các buổi làm việc, Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức vẫn được thúc đẩy trong mọi lĩnh vực, dưới nhiều hình thức linh hoạt.
Dù chưa tổ chức được chuyến thăm song phương đặc biệt là cấp cao, song việc trao đổi, tiếp xúc được thắt chặt thông qua các cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Mới đây nhất, vào ngày 31/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Thủ tướng Olaf Scholz. Nhận lời mời của Tổng Bí thư, dự kiến trong năm nay (có thể là tháng 11/2022), Thủ tướng Olaf Scholz sẽ thăm chính thức Việt Nam.
Đại sứ trân trọng cảm ơn tình cảm của Thủ hiến Bodo Ramelow dành cho Việt Nam, cũng như sự ủng hộ của ông đối với quan hệ Việt Nam-Đức trong thời gian qua. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam năm 2021, bang Thüringen đã thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam thông qua việc hỗ trợ thiết bị, đồ bảo hộ y tế (69.600 tấm chắn giọt bắn và 23.040 bộ làm mát), qua đó góp phần giúp Việt Nam đối phó với đại dịch.
Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Đức nói chung và đặc biệt quan hệ truyền thống lâu dài, tốt đẹp với bang Thüringen nói riêng.
Đại sứ đánh giá rất cao việc Việt Nam và Đức đã có sự hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong lao động và dạy nghề.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên bởi nhiều lý do như khó khăn trong việc đào tạo ngoại ngữ, việc cấp visa hay hoàn cảnh khó khăn của các học viên…
Đại sứ đề nghị phía bạn cùng trao đổi để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những hình thức hỗ trợ thiết thực với các học viên, nhằm khai thác tối đa tiềm năng hợp tác này.
Bên cạnh đó, Đại sứ Vũ Quang Minh đánh giá cao sự phối hợp, quan tâm và hỗ trợ của chính quyền bang Thüringen đối với cộng đồng khoảng 3.000 người Việt tại đây.
Đại sứ bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa từ phía chính quyền nhằm hòa nhập sâu rộng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của bang Thüringen.
[Việt Nam và Đức còn nhiều dư địa hợp tác lớn với nhiều cơ hội mới]
Về phần mình, Thủ hiến Bodo Ramelo cho biết sau chuyến thăm, làm việc cùng 70 doanh nghiệp lớn, các trường đại học, viện nghiên cứu của bang Thuringen tới Việt Nam hồi tháng 4/2019, ông có tình cảm rất đặc biệt với Việt Nam.
Ông vui mừng về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, cho rằng chuyến thăm ý nghĩa đó là cơ hội tốt góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và bang Thüringen nói riêng và Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức nói chung.
Cùng quan điểm với Thủ hiến Ramelow, bà Birgit, Chủ tịch nghị viện bang Thüringen chia sẻ bà rất ấn tượng và khẳng định cộng đồng người Việt tại Thüringen rất được chào đón, hoan nghênh vì sự cần cù, chịu khó.
Bên cạnh đó, bà bày tỏ vui mừng khi thấy Việt Nam vượt qua được đại dịch với những thành tựu đáng ghi nhận, trong đó sự phát triển kinh tế của Việt Nam đặc biệt ấn tượng.
Bà Birgit đã vui vẻ nhận lời với đề xuất của phía Việt Nam tổ chức “Ngày Việt Nam tại Thüringen” vào năm 2023 tại trụ sở Nghị viện bang nhằm quảng bá văn hóa, xúc tiến đầu tư và kết nối doanh nghiệp hai nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật số bang Thüringen - ông Wolfgang Tiefensee nhấn mạnh tại Đức nói chung và bang Thüringen nói riêng, vấn đề lao động và dạy nghề là lĩnh vực trọng tâm, được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, chú trọng.
Các công ty, doanh nghiệp có nhiều ý tưởng đóng góp cho sự phát triển kinh tế bang, tuy nhiên, các công ty vẫn đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, nhất là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng.
Đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ từ Việt Nam, ông Wolfgang khẳng định bang Thüringen sẽ ưu tiên việc tiếp nhận những học sinh Việt Nam đang học nghề tại Đức, đồng thời chính quyền bang sẽ tạo mọi điều kiện về khung pháp lý để các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam.
Về nhu cầu lao động của bang, cả Bộ Kinh tế và Phòng Công nghiệp và Thương mại bang Thüringen (IHK) đều thừa nhận bang miền Trung này thiếu nhiều lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cần bổ sung.
Với lợi thế có nhiều Trường đại học và Viện nghiên cứu nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực đào tạo, Bộ trưởng Giáo dục bang Thüringen Helmut cho biết hiện bang có hơn 200.000 sinh viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có nhiều sinh viên đến từ Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Thüringen.
Theo ông Helmut, trong các ngành kinh tế và đào tạo nghề, bang sẵn sàng tiếp nhận thêm học sinh đến từ Việt Nam. Không chỉ các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, điều dưỡng, mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề đào tạo khác như công nghiệp, năng lượng tái tạo...
Ông Helmut cho biết với nguồn lao động rất trẻ tuổi, bang Thüringen sẵn sàng công nhận những chứng chỉ học tập của Việt Nam để sau đó đến Đức tiếp tục học nghề và làm việc ở đây.
Một trong những thế mạnh và cũng là lợi thế của Đức đó là chương trình vừa học vừa làm. Với mô hình đào tạo nghề song song ngày, học sinh vừa có thời gian học lý thuyết vừa có cơ hội đi làm và cũng vẫn được trả lương./.