Việt Nam đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài.
“Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đây là hợp phần quan trọng của nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi để cùng nhau phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Trên cơ sở đó, Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài.”
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề "Việt Nam – Điểm đến Đầu tư của bạn,” do Bộ Tài chính tổ chức tại Singapore, ngày 6/8.
Nhiều tiềm năng thu hút đầu tư
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Việt Nam thời gian vừa qua đã khẳng định tốc độ phát triển kinh tế rất mạnh mẽ với nhiều tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài nhờ nhiều lợi thế mà không nhiều quốc gia có được. Trên thực tế, Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á với đường biển dài 3.200km, có nhiều cảng biển quốc tế kết nối với năm châu. Hiện, Việt Nam đang triển khai xây dựng nhiều sân bay quốc tế và hệ thống đường cao tốc, kể cả đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc, qua đó sẽ tạo thuận lợi để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thể hiện sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn nhân lực lớn và trẻ với trình độ cao đồng thời có cơ chế tài chính, cơ chế ưu đãi đầu tư nhất quán và trên thực tế đã được thực hiện một cách có hiệu quả.
“Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư,” Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Khẳng định việc Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn cầu thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong thực hiện các cam kết song phương và đa phương về thuế, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh điều này đồng thời thể hiện sự ổn định, minh bạch, nhất quán về chính sách thuế của Việt Nam. Cụ thể, trong quá trình xây dựng chính sách để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các cơ quan có thẩm quyền đã tham vấn các nhà đầu tư, cũng như các tổ chức kiểm toán “big 4” rất nhiều lần, để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất cho các các bên.
“Hiện nay, Chính phủ đã cho các cơ quan hữu quan thiết kế chính sách hỗ trợ đối với các nhà đầu tư tới ngưỡng phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và đảm bảo cho tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư ở Việt Nam song chưa đến ngưỡng phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam vẫn dành những ưu đãi đặc biệt. Vì thế, nhà đầu tư yên tâm về tính hỗ trợ, tính ổn định của chính sách thuế,” ông Thành nói.
Thêm vào đó, hàng hóa của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng tại Việt Nam đang nhận được nhiều ưu đãi về chính sách, cũng như thuế quan bởi Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)…
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay Hải quan Việt Nam sẽ thực hiện hải quan điện tử, hải quan hiện đại theo các trụ cột, như hệ thống pháp luật phải minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong công tác quản lý. Hiện ngành đang xây dựng thống hải quan thông minh hải quan số đồng thời đổi mới hơn nữa thái độ cung cấp dịch vụ, để nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí logictics, giảm thời gian thông quan…
Đáp ứng tiêu chí nâng hạng
Thông tin tới nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, cho biết Ủy ban đã xây dựng và công bố dự thảo thông tư sửa 4 thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thanh toán và hoạt động của công ty chứng khoán nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng. Điểm quan trọng nhất của dự thảo là không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải ký quỹ 100% tiền trước khi giao dịch.
“Chúng tôi kiên định nguyên tắc đối xử bình đẳng đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cụ thể ở đây là vấn đề tiếp cận thông tin. Trong dự thảo Thông tư trên đã sửa đổi một số nội dung của Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, dự thảo quy định lộ trình cụ thể để các công ty niêm yết công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh,” Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.
Thêm một nội dung nữa cũng được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đó là tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để cập nhật thường xuyên các thông tin về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành nghề hạn chế tiếp cận hoặc kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cải cách các thủ tục hành chính. Việc mở tài khoản đầu tư chứng khoán và cấp mã số giao dịch chỉ cần trong vòng một ngày. Riêng đối với vấn đề mở tài khoản vốn gián tiếp nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính để giảm thiểu thủ tục hành chính, hướng tới việc mở tài khoản trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát để tăng tính minh bạch, công khai trên thị trường đồng thời khuyến khích các công ty niêm yết áp dụng các thông lệ quốc tế tốt trong quản trị công ty, áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội-quản trị). Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đang tiến hành áp dụng tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IFRS) một cách sớm nhất để tương đồng với báo cáo tài chính quốc tế.
“Cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán của Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, đầu tư vào thị trường vốn của Việt Nam,” bà Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh.
Tại đây, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Dragon Capital Việt Nam cho sẻ thời gian vừa qua, cơ quan quản lý Việt Nam đã có nhiều giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán. Song, nhà đầu tư trông đợi vào sự phát triển hơn nữa với vị thế là một thị trường mới nổi chứ không còn là thị trường cận biên trong thời gian sớm nhất.
“Việt Nam là có rất nhiều triển vọng tăng trưởng và hứa hẹn đầu tư hiệu quả,” nhấn mạnh nội dung trên và ông Alfred Chia C K, Tổng giám đốc SingCapital, cho biết thực tế có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng họ chưa biết cách thức để đầu tư vì ít được tiếp cận thông tin, bao gồm cả các thông tin bằng tiếng Anh. Vì vậy, thị trường sẽ có rất nhiều cơ hội nếu cơ quan quản lý tăng sự hỗ trợ cho các bên liên quan (như các công ty chứng khoán, công ty quản lý tài sản, công ty quản lý quỹ) để từ đó hợp tác với các đối tác của Singapore và khu vực. Và, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thông qua đó sẽ có được thông tin về cơ hội hoặc có giải pháp quản trị rủi ro.
“Việt Nam có rất nhiềm tiềm năng để tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đây là quốc gia có một nền kinh tế năng động và là một phần quan trọng của khối ASEAN. Đây là cơ hội đầu tư hiệu quả cho nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy việc quảng bá thông tin, hình ảnh và cơ hội của nền kinh tế Việt Nam hơn nữa. Khi nhà đầu tư nước ngoài có đầy đủ thông tin và thông tin rõ ràng thì họ sẽ gia tăng đầu tư vốn vào thị trường Việt Nam,” ông Alfred Chia C K nhận định.
Đại diện của Seatown Holdings, một công ty đầu tư tài sản đã đầu tư vào Việt Nam trong một thời gian dài với 500-600 triệu USD đầu tư vào Việt Nam mỗi năm, ông Yeo Wee Yap, Giám đốc điều hành Seatown Holdings, kiến nghị thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam cần đẩy nhanh các quy trình về phê duyệt các chính sách liên quan tới đất đai hay giấy đăng ký kinh doanh… Trong đó, các cơ quan quản lý phối hợp tốt hơn nữa để đẩy nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh./.