Việt Nam có tiềm năng lớn để mở ra cánh cửa cho LB Nga tiếp cập ASEAN
Theo chuyên gia Nga, vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng với Liên bang Nga và “quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam có thể coi là cánh cửa mở tới ASEAN để hợp tác với tất cả các đối tác.”
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 (EEF 2022), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Evgeny Vlasov, Hiệu phó phụ trách quan hệ quốc tế của Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) về những điểm đặc biệt của diễn đàn lần này.
Ông Vlasov cho biết diễn đàn năm nay thảo luận về nhiều chủ đề hợp tác đa phương, các hình thức hợp tác mới trên thế giới, về những thay đổi toàn cầu đang diễn ra trên thế giới. Đồng thời các nước Đông Nam Á được đề cập đến tích cực nhất, trong đó có Việt Nam, tính đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Liên bang Nga với Việt Nam.
Ông Vlasov cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành cánh cửa cho Liên bang Nga tiếp cận toàn bộ các nước thành viên ASEAN. Vai trò của Việt Nam hiện ngày càng quan trọng đối với Liên bang Nga và “quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam có thể coi là cánh cửa mở tới ASEAN để hợp tác với tất cả các đối tác.”
Ông Vlasov bày tỏ ấn tượng Phiên đối thoại kinh doanh Nga-Việt Nam tại EEF 2022 diễn ra “rất tích cực và đông đảo người tham dự. Có rất nhiều phát biểu thu hút sự chú ý và quan tâm lớn.”
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Vlasov cho rằng một điểm đáng chú ý khác là việc có các đại diện của một số nước phương Tây tham gia EEF 2022 và muốn phát triển quan hệ với Nga.
[Diễn đàn Kinh tế phương Đông: Cú hích cho nước Nga trong bối cảnh mới]
Ông nhận định: “Điều này cho thấy thế giới vẫn phát triển, thế giới không sẵn sàng đóng cửa. Thế giới đã sẵn sàng cho đối thoại. Tất cả những thách thức mới chỉ có thể được giải quyết bằng cách cùng nhau thảo luận về các định dạng mới.”
Ông Vlasov cũng nhận định khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có trước đây, như đại dịch COVID-19, quá trình nội tại ở một số quốc gia Đông Nam Á, các lệnh trừng phạt của phương Tây và Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm nay cho thấy nhu cầu phải xây dựng “một nền tảng kết nối mới trong điều kiện mới.”
Đề cập đến chính sách hướng Đông của Nga cũng như triển vọng của chính sách này, ông Vlasov cho biết vùng Viễn Đông của Nga luôn thực sự mở cửa với phương Đông, cụ thể là với các nước châu Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay và các chính sách của Nga cho thấy rõ chính sách hướng Đông được thực hiện thông qua nhiều cơ chế và EEF 2022 là nền tảng để thu thập và trao đổi ý tưởng, cho các cuộc gặp gỡ của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh chính sách hướng Đông mà Liên bang Nga theo đuổi về cơ bản không có gì thay đổi.
Chuyên gia Vlasov cho rằng không phải ngẫu nhiên Tổng thống Vladimir Putin luôn tham dự các Diễn đàn Kinh tế phương Đông vì nhà lãnh đạo Nga hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng các kết nối, xây dựng mối quan hệ với các đối tác châu Á.
Theo ông Vlasov, tương lai lớn đang mở ra với các doanh nghiệp cũng như giới kinh doanh châu Á để hợp tác với vùng Viễn Đông của Nga. Cũng theo ông Vlasov, Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) của ông có thể đóng vai trò là cơ sở quan trọng để thúc đẩy những điều này vì FEFU có hơn 300 đối tác trên khắp thế giới./.