Việt Nam - Bức tranh đa sắc màu của đất nước tự do tôn giáo
Trong chùm 5 bài viết “Việt Nam - đất nước của tự do tôn giáo,” bài 3 nói đến việc các tổ chức tôn giáo và đại đa số đồng bào tôn giáo ở Việt Nam chung tay với Nhà nước trong công tác an sinh xã hội.
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.
Chùm 5 bài viết “Việt Nam - đất nước của tự do tôn giáo,” phản ánh những lát cắt của bức tranh tôn giáo đa sắc màu dưới chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.
Bài 3: Tốt đời, đẹp đạo
Ở bài 1 và 2 của chùm bài đã đề cập đến việc Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao đất, xây dựng cơ sở thờ tự, nhiều hoạt động khác để đảm bảo cho các tôn giáo sinh hoạt và thực hành giáo lý tốt hơn cũng được Đảng, Nhà nước luôn chú trọng, như việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo, phong phẩm, đào tạo chức sắc, chức việc… Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tôn giáo thuận lợi trong việc sống đạo và giữ đạo, bày tỏ đức tin của mình.
Giáo lý của các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái, góp phần lưu giữ và phát huy nhiều giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như truyền thống hiếu thuận, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tinh thần tương thân tương ái…
Các tổ chức tôn giáo và đại đa số đồng bào tôn giáo ở Việt Nam đều gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là chung tay với Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, chung sức, đồng lòng với chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Xả thân vì cộng đồng
Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Các tôn giáo đã thể hiện giá trị đạo đức, văn hóa trong triết lý, giáo lý của mình trên thực tiễn bằng việc tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể phát động.
Những hình ảnh về các hoạt động hy sinh đêm ngày xả thân, quên mình của các tu sỹ Công giáo, tăng, ni, Phật tử trên tuyến đầu chống dịch đã trở thành những dấu ấn của tình yêu thương, những biểu tượng đẹp, có sức lan tỏa và gây xúc động cho cộng đồng xã hội.
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo một lần nữa được khẳng định trong đời sống xã hội. Rất đông nam, nữ tu sỹ, tăng, ni, Phật tử đáp lại lời mời gọi của chính quyền, mặt trận các cấp, của Giáo hội, đã can đảm dấn thân không sợ nguy hiểm đến tính mạng để phục vụ tuyến đầu chống dịch tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến.
Trên 3.000 tình nguyện viên của các tôn giáo đã được tăng cường vào tâm dịch trong thời kỳ cao điểm, nguy hiểm nhất, trong đó gần 2.000 tình nguyện viên đã được triển khai tới các bệnh viện dã chiến, trung tâm điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An. Từ ngày 22/7/2021 đến 7/4/2022, 747 thiện nguyện viên Công giáo (trong đó có 26 linh mục, 8 phó tế và 713 tu sỹ) phục vụ tại 10 bệnh viện điều trị COVID-19.
Nhiều tấm gương và hình ảnh đẹp của các tu sỹ tận tâm trong vùng dịch, trực tiếp đến các bệnh viện dã chiến thu dung, các trung tâm cách ly y tế tập trung, điều trị COVID-19 để tham gia hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
“Sơ cảm thấy đây là cơ hội để đóng góp, cống hiến, giúp chống chọi với đại dịch này. Sơ nghĩ mình có một chút kiến thức về tâm lý trị liệu, có thể hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu cũng như hỗ trợ cho bệnh nhân," nữ tu-Tiến sỹ tâm lý Trì Thị Minh Thúy, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Thông tin về hoạt động bác ái xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Công giáo Việt Nam, cho biết Hội đồng Giám mục Việt Nam và Caritas Việt Nam đã chung tay đóng góp 3 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine của Chính phủ; Tòa Tổng Giám mục đã ủng hộ chương trình cứu trợ và phòng, chống dịch COVID-19 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền 1 tỷ đồng.
Thông qua Caritas Tổng Giáo phận, gói 10 ngày lương thực (750.000 đồng/người) đã được chuyển tới giúp 24.439 người thuộc 178 giáo xứ và cộng đồng; gói tiền thuê nhà (tối đa 1,5 triệu đồng) đã hỗ trợ 4.847 nhà; gói trợ giúp các Bếp từ thiện xã hội (21 triệu đồng/bếp) được thực hiện với 31 bếp; trợ giúp 13 mái ấm với số tiền 21 triệu đồng/mái ấm…
[Việt Nam nhất quán tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng]
Bếp Văn phòng Hội đồng Giám mục phục vụ mỗi ngày khoảng 250 suất ăn cho tuyến đầu và người dân khu vực cách ly y tế từ ngày 8/6 đến ngày 31/10/2021. Từ ngày 3/8, hệ thống 11 bếp tu sỹ của Tổng Giáo phận nấu mỗi ngày trung bình 3.000 suất ăn phục vụ tuyến đầu và các khu vực phong tỏa y tế, các bệnh viện tại Quận 3, Quận 7, quận Gò Vấp và thành phố Thủ Đức. Tổng số đã thực hiện trên 200.000 suất ăn với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các giáo xứ và rất nhiều cộng đoàn dòng tu âm thầm nấu ăn, cung cấp lương thực và hỗ trợ tài chính cho những hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói; đóng góp 8 tỷ đồng cùng Hội Nữ Doanh nhân thành phố và các đơn vị thực hiện Siêu thị 0 đồng mang những lựa chọn thiết yếu đến 20.000 gia đình khó khăn tại thành phố.
Những hành động nhân văn tiếp tục được Giáo hội Công giáo Việt Nam nhân lên với những chương trình Trung Thu 2021, 2022 (tặng hàng chục nghìn bánh trung thu và lồng đèn cho các em mắc COVID-19 và trẻ mồ côi); Xuân Yêu thương, Giáng sinh 2021, tặng quà hỗ trợ những gia đình khó khăn, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, tổng kinh phí cho các chương trình này đã lên đến hơn 42 tỷ đồng.
“Vốn liếng chúng tôi có, đó là tấm lòng của những người Công giáo, những người tu sỹ hiến thân để phục vụ, chúng tôi luôn luôn chuẩn bị tâm thế là mình đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì để phục vụ," Linh mục Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định.
Tham gia giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội
Với phương châm hành đạo tiến bộ, các tổ chức tôn giáo đã và đang tham gia giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội, nhất là vấn đề an sinh xã hội. Cả nước có khoảng 300 trường và 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề, trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập, số người được khám, cấp thuốc hàng năm lên đến 14 triệu lượt người. Hiện 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.
Công tác từ thiện xã hội - hoạt động Phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm và được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm sâu sắc. Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, 33 phòng khám Đông y châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu và 10 phòng khám Tây y, với 206 lương y, 40 bác sỹ, đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Giáo hội đã mở 120 lớp học tình thương, với 5.678 em, 199 giáo viên; 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật, đã có pháp nhân, được cơ quan chức năng cấp phép thành lập; 15 trung tâm nuôi dưỡng 527 cụ già, neo đơn; 46 trung tâm nuôi dạy 1.429 trẻ mồ côi, trẻ em chất độc màu da cam và 1 trung tâm phục hồi chức năng.
Để có cuộc sống ổn định về vật chất, một số Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình Phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. Hiện có 10 trường dạy nghề miễn phí gồm các nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học văn phòng, ngoại ngữ, mộc mỹ nghệ, sửa xe, hớt tóc…, như Thừa Thiên-Huế có trường dạy nghề ở chùa Long Thọ và Tây Linh; trường dạy nghề điêu khắc gỗ chùa KomPong Chrây (còn gọi là chùa Hang, Trà Vinh).
Từ năm 2017 đến năm 2022, tổng kinh phí Giáo hội Phật giáo Việt Nam dành cho công tác từ thiện xã hội lên đến hơn 7.133 tỷ đồng.
Giải cứu những mảnh đời tuyệt vọng
Mục sư Phạm Đình Nhẫn, Tổng Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, cho biết quặn thắt trước những mảnh đời tuyệt vọng, tưởng chừng không có lối thoát, Hội thánh đã giúp đỡ cho hàng nghìn người nghiện. Hầu hết cơ sở cai nghiện của các hội thánh được thực hiện dựa trên những nguyên tắc yêu thương, “với cách nhìn người nghiện không phải là tội phạm mà chỉ là người sa ngã vào thói quen xấu và luôn có cơ hội được giải cứu, làm lại cuộc đời." Chính thái độ yêu thương thay vì kỳ thị, phân biệt đã thu hút nhiều người đến với Hội thánh.
Những người nghiện ma túy sau nhiều năm bị gia đình, xã hội xa lánh, được Hội thánh tiếp nhận, nhờ những lời cầu nguyện, học những chuẩn mực sống theo Lời Thánh kinh, đã có những thay đổi rõ rệt. Nhiều người trong số đó ngày nay đã trở thành những Mục sư - người kết nối đem lại niềm hy vọng cho người nghiện nỗ lực cai nghiện thành công.
Đến tháng 4/2021, trong các Hội thánh Tin lành khác nhau có 55 điểm, hiện giúp đỡ cho 2.000 người nghiện, Giáo hội Công giáo 1 điểm và rất nhiều ngôi chùa Phật giáo cũng thực hiện công tác giúp đỡ người nghiện. Các cơ sở này ở 18 tỉnh, thành phố.
Hiện nay, trong các Hội thánh Tin lành đã có hàng trăm nhân sự, kể cả mục sư, là những người đã từng trải qua hàng chục năm nghiện ngập ma túy, được giải cứu, được phục hồi. Đây là một nguồn lực vô giá cho mục vụ cai nghiện vì không ai có thể cảm thông, yêu thương người nghiện cho bằng những người đã từng đau khổ tuyệt vọng vì nghiện ngập.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Nhiều vị chức sắc, chức việc có uy tín, đạo hạnh được quần chúng nhân dân tin tưởng bầu chọn vào các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương và địa phương. Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.
Điều này khẳng định đóng góp to lớn của các tổ chức tôn giáo đối với dân tộc, góp phần xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tại Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định đồng bào có đạo là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng nhưng đều hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ./.
Bài 1: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Bài 2: Thuận lợi trong việc sống đạo, giữ đạo và bày tỏ đức tin
Bài 4: Nỗ lực thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người
Bài cuối: Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá - Tất yếu không được đồng thuận