Vì sao tăng trưởng tín dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn mặt bằng chung cả nước?
Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng tại TP Hồ Chí Minh thấp hơn mặt bằng chung là do ngành bất động sản-xây dựng chưa phục hồi, bên cạnh đó giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm nhiều so với cả nước.
Mặc dù, tín dụng có xu hướng tăng mạnh trong vài tháng gần đây, tuy nhiên, so với bình quân chung cả nước và vị thế của một “đầu tàu kinh tế,” thì sức hấp thụ vốn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 lại có phần khiêm tốn hơn.
Sau khi giảm nhẹ vào tháng 7/2024, tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh duy trì đà tăng tích cực kể tháng 8/2024 đến nay. Nếu như cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn mới đạt 4,68% so với cuối năm 2023, đến hết tháng 11/2024, con số này đã lên 8,1%.
Riêng quý 4/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng của thành phố tăng bình quân hơn 1%/tháng. Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2024 tăng 10% so với cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, các tháng cuối năm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thường tốt hơn, do tổng cầu tăng, các hoạt động kinh tế phục vụ dịp lễ, tết thường có nhu cầu vốn ngắn hạn, vòng quay nhanh và hiệu quả. Vì vậy, nhu cầu vốn tín dụng cũng tăng nhanh và sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Đây là yếu tố bản chất, mang tính quy luật và có yếu tố thời vụ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc tín dụng trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10% vào cuối năm là phù hợp với với mức tăng trưởng GRDP 7,17% của thành phố trong năm nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, với mức tăng GRDP như trên và dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố dưới 3,5% thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 đạt khoảng 10-11% là phù hợp.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước và quy mô của một “đầu tàu kinh tế” thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của Thành phố Hồ Chí Minh lại đang thể hiện khả năng hấp thụ vốn kém hơn, trong bối cảnh tín dụng cả nước có thể đạt hơn 15% trong năm 2024.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo phụ trách mảng tín dụng của một ngân hàng trong nhóm Big4 cho biết, sở dĩ tín dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn mặt bằng chung là do ngành bất động sản-xây dựng vẫn chưa phục hồi. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cũng chậm hơn nhiều so với cả nước.
Các dự án chậm triển khai kéo theo các ngành khác như vật liệu xây dựng, xây dựng cũng bị ảnh hưởng theo. Tăng trưởng tín dụng vào các ngành này và tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo đó cũng bị ảnh hưởng, phục hồi chậm hơn so với mặt bằng chung cả nước.
Thực tế, dữ liệu công bố tại cuộc họp kinh tế-xã hội năm 2024 của Thành phố Hồ Chí Minh vào tuần trước cho thấy, giải ngân đầu tư công trên địa bàn tính đến 29/11 mới đạt gần 25% số vốn được giao. Thành phố dự kiến và phấn đấu đạt tỷ lệ 76,9% vào cuối tháng 12/2024.
Điều này cho thấy việc giải ngân chậm cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự lưu chuyển vốn trên địa bàn. Bởi lẽ, đầu tư công có hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Khi các dự án đầu tư công được thực hiện, sẽ kéo theo nhiều ngành lĩnh vực, sản xuất, thương mại và dịch vụ có liên quan phát triển, từ đó dòng tiền được tạo lập, luân chuyển vốn thuận lợi.
Đây cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhờ khả năng hấp thụ vốn từ nền kinh tế tăng.
Mặt khác, dẫn dữ liệu của Sở Xây dựng thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 11 tháng năm 2024, trên địa bàn chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường, giảm 75% số lượng dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm thấp nhất trong giai đoạn 2020-2024.
Cũng trong khoảng thời gian này, trên địa bàn không có dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất; chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp bất động sản chỉ được tiếp cận tín dụng ngân hàng khi có dự án hoàn chỉnh tính pháp lý và đủ điều kiện kinh doanh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn cho biết năm 2024, chính sách tín dụng đã được ngành ngân hàng khơi thông, mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Các doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt là có thể tiếp cận vốn vay. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, do thị trường xuất khẩu còn khó khăn, sức mua nội địa giảm, doanh nghiệp phải "liệu cơm gắp mắm" nương theo tín hiệu thị trường.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp hiện còn đang đối mặt với áp lực lớn từ khối trái phiếu đến hạn. Những điều này cho thấy tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Xu hướng này cũng được phản ánh trong báo cáo về kinh tế thành phố do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê thành phố thực hiện mới công bố.
Theo nhóm nghiên cứu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn trong tiếp cận tín dụng và suất sinh lợi của vốn đầu tư thấp do chi phí đầu vào sản xuất cao.
Trong năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho năm này dự ước khoảng 500.000 tỷ đồng; trong đó vốn từ ngân sách khoảng 100.000 tỷ đồng, huy động các nguồn vốn xã hội khoảng 400.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cũng như tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tập trung nguồn lực nhanh chóng hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm và thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính.
Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm sẽ hỗ trợ vòng quay vốn trong nền kinh tế nhanh hơn, qua đó thúc đẩy đầu tư xã hội và tín dụng phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Về phía ngành ngân hàng cũng cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách về tín dụng, về lãi suất, về tỷ giá và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.../.