Vì sao chưa đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 55 đoạn qua Bình Thuận?
Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước để triển khai Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 55 đoạn qua tỉnh Bình Thuận.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có lý giải rõ ràng việc chưa đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 55 đoạn qua tỉnh Bình Thuận đồng thời sẽ nghiên cứu, đánh giá nhu cầu đầu tư và phương án để triển khai đoạn tuyến ngay khi có điều kiện về nguồn lực.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 55 dài 290km, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài khoảng 152km, quy mô cấp 3, bề rộng 2-4 làn xe, hiện trạng cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng, nền đường rộng 9m, mặt đường bê tông nhựa.
Thời gian qua, tuyến đường đã được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để duy trì chất lượng khai thác mặt đường đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Về nhu cầu đầu tư Quốc lộ 55 đoạn từ Hàm Tân đến trung tâm thị xã La Gi chiều dài khoảng 45km (Km52+640-Km97+692), lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng theo quy mô quy hoạch nhằm bảo đảm tính đồng bộ, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, an ninh quốc phòng cho tỉnh Bình Thuận nói riêng và các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ nói chung là cần thiết.
[Bình Thuận đề xuất xây công trình khẩn cấp trên Quốc lộ 55 do sạt lở]
Khẳng định đã nghiên cứu lập Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 55 đoạn qua tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm các dự án mới, bao gồm cả Quốc lộ 55.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước để triển khai và sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá nhu cầu đầu tư và phương án để triển khai đoạn tuyến ngay khi có điều kiện về nguồn lực.
Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bên liên quan và địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và duy tu, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ này./.