VGLF 2024: Phát huy nguồn lực trí tuệ vì một Việt Nam phát triển bền vững

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 là nơi tập hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các chính sách của Nhà nước phục vụ cho sự phát triển và đi lên của đất nước Việt Nam.

Các diễn giả chia sẻ các câu chuyện thành công và kinh nghiệm các nước để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Trong hai ngày 30-31/3, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024) đã được tổ chức tại thủ đô Paris.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu người Việt và gốc Việt đến từ 20 quốc gia, là những tiến sỹ, chuyên gia tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, y tế, môi trường, nghệ thuật, tôn giáo...

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh đã có mặt tại sự kiện. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã gửi lời phát biểu chúc mừng từ Hà Nội.

Phát biểu khai mạc VGLF 2024, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển quốc tế Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cũng là đơn vị tổ chức sự kiện, khẳng định Diễn đàn là "sự hội tụ trí tuệ, tri thức, tinh thần, năng lượng và tinh hoa văn hoá Việt Nam."

Chủ tịch AVSE Global cho rằng trong môi trường quốc tế thay đổi liên tục và khó dự đoán như hiện nay, Việt Nam cần tìm ra con đường riêng hướng tới sự bền vững, công bằng và thịnh vượng. Diễn đàn VGLF 2024 chính là dịp để những người con gốc Việt, với tấm lòng hướng về quê hương, cùng nhau thảo luận để chung tay giúp Việt Nam “Vươn mình trong biến động," kiến tạo thịnh vượng toàn diện và sự phát triển bền vững cho nước nhà.

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển quốc tế Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phát biểu khai mạc VGLF 2024. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Chúc mừng sự kiện quan trọng này của cộng đồng nhân sỹ, trí thức người Việt ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định quan điểm của Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đại sứ nhấn mạnh hàng loạt hành lang pháp lý và công cụ chính sách quan trọng đã được xây dựng và thực thi để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng; thúc đẩy chuyển giao tri thức và kỹ năng của cộng đồng về trong nước; phát huy vai trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế thương mại, văn hóa xã hội...

Đại sứ bày tỏ hy vọng Diễn đàn không chỉ thể hiện một hoài bão lớn trong việc hội tụ chất xám và kinh nghiệm của nhiều con người xuất sắc, mà còn là nơi tập hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các chính sách của Nhà nước phục vụ cho sự phát triển và đi lên của đất nước Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu chúc mừng sự kiện quan trọng của cộng đồng nhân sỹ, trí thức người Việt ở nước ngoài. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Trong hai ngày diễn ra sự kiện, các diễn giả là những chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực như vật lý, toán học, Trí tuệ Nhân tạo, y tế, năng lượng và phát triển xanh... đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ quan điểm xoay quanh ba câu hỏi lớn là “Làm sao để kết nối nguồn lực nhằm phát huy tiềm lực và thúc đẩy Thịnh vượng Việt Nam?;" “Làm sao để nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới?;" và “Làm thế nào để khai thác và sử dụng những chìa khóa của thành công để bứt phá?”.

Với nhiều chủ đề đa dạng, các câu chuyện cụ thể mang tính thời sự, đã thể hiện mối quan tâm của các diễn giả đến sự phát triển của đất nước trong bối cảnh thế giới đầy biến động, qua những định hướng đúng đắn được tiếp thu và gắn kết từ những cái nhìn đa chiều trong nước và quốc tế.

VGLF 2024 cũng là diễn đàn của sự giao thoa giữa văn hóa và di sản với sự tham dự của các khách mời đặc biệt đến từ nhiều quốc gia. Đây cũng là một dịp đặc sắc để nghệ thuật đương đại Việt Nam, văn hóa dân tộc cùng ẩm thực độc đáo được hòa mình bên cạnh những chủ đề mang tính thời cuộc của diễn đàn.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Đức Khương cho rằng Việt Nam có một lực lượng lớn các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân... là những thế hệ tài năng sinh sống và làm việc cả trong và ngoài nước, cùng có mong muốn kết nối và khát vọng chia sẻ các chương trình hành động cụ thể với nhau. Trên tinh thần này, các đại biểu tham dự diễn đàn đã cùng nhau trao đổi tìm kiếm phương hướng để tham mưu nhiều hơn cho các cơ quan Chính phủ, Nhà nước và các địa phương, để cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn, thịnh vượng hơn, đảm bảo công bằng xã hội hơn, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.

Các diễn giả chia sẻ các câu chuyện thành công và kinh nghiệm các nước để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Bác sỹ-Tiến sỹ Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bullion (Pháp), khẳng định diễn đàn là một trong những hoạt động thiết thực giúp Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực tri thức của người Việt trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo ông, muốn xây dựng một đất nước phải có con người mạnh và cần phải tập hợp họ lại thành những nhóm người mạnh để tạo thành nguồn lực lớn. Bên cạnh việc tận dụng nguồn lực này, Nhà nước cũng cần hỗ trợ về mặt chính sách và kết nối để xây dựng một hệ thống thực sự là chỗ dựa vững chắc cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Ông Eric Nguyễn, chuyên gia phát triển sản phẩm kỹ thuật sáng tạo của SAP, một công ty phần mềm lớn nhất châu Âu có trụ sở tại Đức, nhấn mạnh rằng sự kiện này cùng với nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện cho những người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài có cơ hội đóng góp cho nước nhà.

Là thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đức, ông Eric Nguyễn cho biết mạng lưới này đã tập hợp được 45 chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, chế tạo máy, thiết bị y tế, mong muốn kết nối với các chuyên gia để có thể làm nhiều hơn cho đất nước Việt Nam.

Là Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh, nơi tập hợp 150 giáo sư làm việc tại hơn 70 trường Đại học, ông Nguyễn Xuân Huấn, giáo sư Truyền thông Kỹ thuật số, Đại học Middlesex Luân Đôn, cho biết bản thân và các thành viên trong hội luôn hướng về Việt Nam, mong muốn tận dụng nguồn chất xám của những người Việt tại Anh, chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, tư vấn các chính sách và hợp tác với Việt Nam trong những dự án cụ thể để đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Với bà Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản lý Tài chính ngân hàng Credit Agricole (Pháp), Giám đốc Tài chính và Đối tác của AVSE Global và cũng là Trưởng ban tổ chức VGLF2024, diễn đàn đã khép lại sau hai ngày làm việc bận rộn và hiệu quả, nhưng lại mở ra rất nhiều dự án, hoạt động, cả mong muốn và khát vọng.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh : TTXVN phát)

Diễn đàn sẽ tiếp tục gắn kết những người Việt có tầm ảnh hưởng, tập hợp những ý kiến đóng góp của họ về hướng đi để cùng nhau tạo nên sức mạnh, có thể mang lại những góc nhìn đa chiều, khách quan, thẳng thắn và đẳng cấp cho Việt Nam.

Bà Phương Nga khẳng định, trong bối cảnh thế giới có phần bi quan và mong đợi, sự kiện này và các hành động sau đó, sẽ tạo nên làn gió mới mang lại xu hướng chuyển động tích cực. Những câu hỏi sẽ được chuyển thành bài toán, thành lời giải đáp thiết thực, thông qua các dự án hoạt động cụ thể cho sự phát triển của Việt Nam.

Với sứ mệnh tập hợp, kết nối sức mạnh trí tuệ tập thể của những người ưu tú có ảnh hưởng trong chuyên môn, giàu khát vọng đóng góp cho đất nước và khơi dậy tinh thần đoàn kết đem đến lợi ích chung cho Việt Nam, Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng” sẽ không chỉ có tác động sâu sắc đến người dân Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai tiếp bước và tạo ảnh hưởng tích cực trên thế giới./.