Vận tải biển vẫn gặp khó trong việc chuyển đổi sang nhiên liệu xanh

Các đơn vị vận tải biển kiến nghị lộ trình kiểm soát khí thải từ vận tải biển cần có giải pháp toàn cầu cho các loại tàu khác nhau và cho các khu vực trên toàn thế giới.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm “Hàng hải Việt Nam-phát triển xanh và bền vững” do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đại diện đơn vị lĩnh vực vận tải biển, các hãng tàu đều thừa nhận thực trạng việc chuyển đổi xanh của vận tải biển vẫn sẽ gặp khó bởi chi phí tăng cao nếu chuyển sang nhiên liệu sạch.

Tại buổi tọa đàm “Hàng hải Việt Nam-phát triển xanh và bền vững” do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức vào sáng 11/5, theo đại diện VIMC, chỉ số đo lượng khí thải thực tế của tàu hàng năm và sau đó phân hạng tàu từ hạng A (tốt nhất) tới hạng E (tệ nhất) sẽ không đáp ứng được yêu cầu này bởi thực trạng đa số các tàu cũ chỉ đạt được hạng D và E.

Để đạt được chỉ số đo lượng khí thải các bon thực tế hạng C theo yêu cầu trong 3 năm liên tiếp từ 2023-2026 và các năm tiếp sau mỗi năm phải giảm phát thải CO2 ít nhất 2%, các chủ tàu phải thực hiện các biện pháp hoán cải lớn về kết cấu… hoặc đầu tư tàu sử dụng loại nhiên liệu mới thay thế dầu nhiên liệu nặng như khí hóa lỏng (LNG, Methanol).

“Các biện pháp này là bất khả thi với các chủ tàu Việt Nam và rất nhiều chủ tàu nhỏ của các nước khác trên thế giới,” đại diện VIMC nói.

Đánh giá việc đầu tư, trẻ hóa đội tàu đáp ứng các quy định nêu trên với chi phí đầu tư rất cao, phía VIMC cho rằng nếu không giải quyết hài hòa vấn đề áp dụng các quy định của Công ước quốc tế và lộ trình khả thi trẻ hóa đội tàu thế giới thì tiềm ẩn nguy cơ khủng khoảng năng lực vận tải trên toàn cầu.

Trên cơ sở đó, VIMC kiến nghị Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) nghiên cứu giải pháp gia hạn thời hạn việc kiểm soát chỉ số hiệu quả năng lượng và chỉ số đo lượng khí thải các bon cho các khu vực khác nhau.

[Tổng công ty Hàng hải sẽ thanh lý 24 'tàu già’ giai đoạn 2021-2025]

Đơn cử như các nước thuộc khối Đông Nam Á, các nước thuộc khu vực kinh tế kém phát triển thời hạn nhất định nào đó phù hợp để có điều kiện, lộ trình chuẩn bị nguồn lực tài chính thay thế dần các tàu không đáp ứng được yêu cầu trên, tránh nguy cơ phá sản và giảm dung tích tổng đội tàu khai thác trên toàn cầu.

Đại diện Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (VOSCO) dẫn chứng số liệu của Công ty môi giới hàng hải Clarksons cho thấy, tổng chi phí cho các khoản đầu tư cần thiết vào tàu container mới, sản xuất nhiên liệu thay thế và các cơ sở hạ tầng khác có thể lên đến 3.000 tỷ USD trong vài thập niên tới. Như vậy, lộ trình kiểm soát khí thải từ vận tải biển cần có giải pháp toàn cầu cho các loại tàu khác nhau và cho các khu vực trên toàn thế giới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Kitack Lim, Tổng thư ký Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) ghi nhận các ý kiến của đơn vị vận tải biển và đánh giá cao sự năng động, những bước phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải trong thời gian qua.

Nhấn mạnh ngành vận tải biển có liên quan chặt chẽ tới việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, theo ông Kitack Lim, IMO cũng phải nâng cao mục tiêu giảm lượng khí thải để bắt kịp xu hướng của cộng đồng quốc tế đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị vận tải, hãng tàu Việt Nam để thúc đẩy toàn diện các hoạt động liên quan đến hàng hải cũng như giảm phát thải môi trường./.

Việt Hùng (Vietnam+)