Văn hóa và du lịch "chắp cánh" mối quan hệ Việt-Trung
Cùng với những tương đồng trong văn hóa, trao đổi du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng trở nên chặt chẽ hơn là những công cụ tăng cường mối quan hệ giữa người dân hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trong bài viết đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu, tác giả Lưu Tường Diễm, phó nghiên cứu viên Viện nghiên cứu du lịch quốc tế, Viện nghiên cứu du lịch Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Việt Nam có vị trí địa lý núi liền núi, sông liền sông, có nền văn hóa tương đồng.
Từ xa xưa, nhân dân hai nước thường xuyên qua lại bằng đường bộ và đường biển, hoạt động buôn bán và giao lưu nhân dân diễn ra liên tục không ngừng nghỉ.
Bài viết cho rằng, từ Hữu nghị quan ở Quảng Tây đến Hà Khẩu ở Vân Nam (Trung Quốc), đường biên giới dài hàng nghìn dặm đã chứng kiến vô số câu chuyện kết nối lẫn nhau.
Ngày nay, với sự cải thiện của mạng lưới giao thông và sự tăng cường hợp tác khu vực, trao đổi du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng trở nên chặt chẽ hơn và hai nước là thị trường nguồn khách chính của nhau.
Tác giả dẫn số liệu thống kê chính thức của cả hai nước cho thấy năm 2024, Việt Nam đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc. Trong quý 1/2025, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Bài viết cho biết mạng lưới giao thông Trung Quốc-Việt Nam tiếp tục được cải thiện, giúp việc đi lại xuyên biên giới của du khách trở nên dễ dàng hơn.
Kết nối đường sắt và đường bộ tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc-Việt Nam (như Hà Khẩu và Đông Hưng…) đã cải thiện đáng kể hiệu quả của du lịch xuyên biên giới.

Tại các cửa khẩu chính này cũng đã mở ra các tuyến du lịch cho xe tự lái, cho phép khách du lịch Trung Quốc dễ dàng di chuyển “tại hai quốc gia trong một ngày.”
Với tuyến du lịch du thuyền Bắc Hải-Hạ Long được khai trương trở lại vào cuối năm 2024, du khách Trung Quốc và Việt Nam có thêm lựa chọn mới để du lịch vòng quanh hai nước bằng du thuyền.
Hợp tác du lịch xuyên biên giới Trung Quốc-Việt Nam đã có những bước đột phá mới. Ngày 15/10/2024, Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Đức Thiên (Trung Quốc)- Bản Giốc (Việt Nam) chính thức đi vào hoạt động là khu hợp tác du lịch xuyên biên giới đầu tiên của Trung Quốc.
Với vai trò là khu vực thử nghiệm phát triển du lịch biên giới, khu hợp tác này không chỉ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn cho các khu hợp tác du lịch xuyên biên giới, mà còn tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch biên giới Trung Quốc-Việt Nam.
Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tối ưu hóa chính sách thông quan và thị thực, mức độ tạo thuận lợi không ngừng được cải thiện hơn nữa. Nhờ thủ tục thông quan thuận tiện hơn tại nhiều cửa khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam, thị trường du lịch xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục sôi động.
Năm 2024, số lượng người xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Đông Hưng vượt 8,58 triệu người, tăng 54,6%, đứng đầu trong số các cửa khẩu biên giới cả nước.
Ngày 25/2, kênh kiểm tra hành khách của cửa khẩu Động Trung (Trung Quốc)-Hoành Mô (Việt Nam) chính thức được khai trương và đưa vào hoạt động, mở ra một kênh mới cho hoạt động du lịch xuyên biên giới, giao lưu kinh tế thương mại, thăm thân nhân... giữa Trung Quốc và Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của du lịch biên giới.

Từ ngày 10/2, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách miễn thị thực cho các đoàn khách du lịch ASEAN nhập cảnh vào Tây Song Bản Nạp, Vân Nam.
Cùng với chính sách miễn thị thực trước đây cho các đoàn khách du lịch ASEAN vào Quế Lâm, Quảng Tây, khách du lịch theo đoàn Việt Nam có thể vào Quế Lâm và Tây Song Bản Nạp, hai điểm du lịch nội địa nổi tiếng, mà không cần thị thực, đồng thời sự thuận tiện về thị thực khi đi du lịch Trung Quốc cũng được cải thiện.
Việt Nam đã triển khai chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài tại đảo Phú Quốc vào tháng 7/2020 và triển khai hệ thống thị thực điện tử vào tháng 8/2023, điều này cũng cải thiện sự thuận tiện cho du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo tác giả, năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam và là “Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt.”
Trong bối cảnh tin cậy chính trị cao và hợp tác kinh tế, thương mại chặt chẽ hơn, giao lưu nhân văn giữa hai nước, đặc biệt là giao lưu văn hóa giữa giới trẻ, ngày càng diễn ra thường xuyên hơn.
Nhiều bộ phim và chương trình truyền hình Trung Quốc đã trở thành chủ đề nóng trong giới trẻ Việt Nam, và ngày càng nhiều bài hát nhạc trẻ Việt Nam được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Những người trẻ ngày càng có nhiều chủ đề chung hơn, sự hiểu biết và tình bạn giữa thế hệ trẻ cũng ngày càng sâu sắc hơn.
Khi giao lưu nhân văn giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn, tần suất các chuyến thăm lẫn nhau ngày càng tăng và các điểm đến của mỗi bên cũng trở nên hấp dẫn hơn.
Dưới sự thúc đẩy của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, thị trường du lịch nước ngoài của Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh tương tự như Trung Quốc sau năm 2000.
Một lượng lớn người Việt Nam lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài đã chọn du lịch Trung Quốc. Ngoài các khu vực biên giới, tầng lớp trung lưu và thế hệ trẻ ở Việt Nam thích đến các thành phố hạng nhất ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến để chiêm ngưỡng cảnh quan đô thị hiện đại, tham gia các hoạt động mua sắm, giải trí theo đuổi ngôi sao và trải nghiệm công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, Tây An, Thành Đô, Trùng Khánh, Trương Gia Giới…, cũng được du khách Việt Nam ưa chuộng vì di sản văn hóa sâu sắc và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Khách du lịch Trung Quốc quen thuộc hơn với các thành phố du lịch cổ điển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các khu nghỉ dưỡng ven biển như Vịnh Hạ Long và Nha Trang và các phố cổ văn hóa như Hội An.
Trên nền tảng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, nơi giới trẻ tụ họp, các điểm du lịch độc đáo như Đà Lạt, Mũi Né, Huế, Phong Nha, Quy Nhơn và Cần Thơ được giới thiệu nhiều nhất.
Trung Quốc và Việt Nam có hệ thống chính trị tương tự nhau và đều có lịch sử cách mạng sâu sắc nên ngành trải nghiệm du lịch đỏ có khả năng sẽ tạo ra một thị trường ngách mới nổi.
Như câu nói “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em,” nhân dân hai nước đã hun đúc nên tình hữu nghị đỏ thắm không phai mờ trong chặng đường cách mạng, tích lũy những ký ức đỏ sâu sắc.
Do đó, tác giả đề xuất trong tương lai, hai nước có thể dựa vào nguồn tài nguyên du lịch đỏ hiện có để tập trung khai trương một số tuyến du lịch chủ đề đỏ, khai thác nguồn tài nguyên lịch sử cách mạng chung, kết hợp các điểm tham quan cổ điển và hoạt động trải nghiệm văn hóa, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước thông qua trải nghiệm du lịch.
Ngoài ra, hiện nay, thị trường du lịch nước ngoài của Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng.
Trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược mở cửa ở cấp độ cao, trong thời gian tới cần tiếp tục nỗ lực tạo thuận lợi cho thị thực và đẩy nhanh quá trình thông quan; có thể xem xét thí điểm chính sách miễn thị thực cho các đoàn khách là học sinh, sinh viên Việt Nam, qua đó thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa giới trẻ hai nước.
Đồng thời, cần nỗ lực tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo như phim ảnh, truyền hình, trò chơi và âm nhạc, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và củng cố mối liên kết rộng rãi hơn của dư luận.
Mở rộng quy mô các chuyến thăm du lịch chung giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai bên lên một tầm cao mới./.