Văn hóa, ngôn ngữ Việt trở thành cầu nối trong quan hệ Việt Nam-Italy

Văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực của Việt Nam đang ngày càng được yêu thích và phổ biến ở Italy, đã đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, sâu sắc giữa Việt Nam và Italy.

Văn hóa Việt đang trở nên ngày càng quen thuộc và được yêu thích tại Italy thông qua nhiều kênh quảng bá như ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục và văn hóa-văn nghệ...

Bà Lê Thị Bích Hường, Tổng Thư ký Liên minh Chủ tịch các hội người Việt tại Italy, Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy-Việt Nam, giảng viên thực hành tiếng Việt tại Đại học Ca Foscari, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Rome về những dấu ấn văn hóa Việt đó.

Bà cho biết hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Italy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua, trên nhiều cấp độ và ở hai phương diện là ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Phần ngoại giao nhân dân được củng cố và mở rộng nhờ hoạt động bền bỉ trong rất nhiều năm của các hiệp hội người Việt tại Italy, trong đó có Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa Italy-Việt Nam ở thành phố Bologna, miền Bắc Italy.

Các sự kiện văn hóa, đóng góp vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam và giúp bạn bè Italy hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, được mở rộng ra ở các sự kiện có sự tham gia của hàng chục nghìn người và đưa vào môi trường đại học.

Ví dụ như các chương trình Hồn Việt I và Hồn Việt II, được bộ môn tiếng Việt trường Đại học Ca Foscari tổ chức tại thành phố Venice, hay các món ăn Việt Nam, các tiết mục văn nghệ và triển lãm ảnh về đất nước, con người, ẩm thực Việt Nam, cùng các bộ trang phục và nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng, trống, chú Tễu… tại Lễ hội văn hóa dân tộc Bagnara, có hàng chục nghìn người tham gia, đã tạo ra một nền tảng quan trọng để giới thiệu cho người dân Italy không chỉ ẩm thực Việt Nam, mà còn cả nghệ thuật truyền thống, âm nhạc và múa dân gian.

Việc tiếng Việt được đưa vào giảng dạy với chương trình cử nhân tại trường Đại học Ca Foscari đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam so với các nước châu Á khác mà ngôn ngữ của họ chưa được giảng dạy.

Những sự kiện giới thiệu về văn hóa Việt Nam, do các thầy cô bộ môn tiếng Việt tổ chức, đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các sinh viên bộ môn tiếng Việt và các sinh viên, làm cho ngày càng nhiều bạn bè Italy và quốc tế biết đến Việt Nam.

Việc giảng dạy tiếng Việt trong các trường đại học ở Italy đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Một tin vui là tiếp theo trường Đại học Ca Foscari, tiếng Việt sẽ được giảng dạy tại trường Đại học Turin từ tháng 2/2025.

Tiếng Việt đang giúp xây dựng một cầu nối văn hóa, khi các sinh viên học tiếng Việt không chỉ hiểu rõ hơn về ngôn ngữ, mà còn mở ra cơ hội khám phá văn hóa, lịch sử và truyền thống của Việt Nam. Họ sẽ trở thành những sứ giả về văn hóa Việt Nam trong môi trường học thuật.

Tiếng Việt cũng là một công cụ hữu ích để hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế giữa Italy và Việt Nam. Các cử nhân tiếng Việt ra trường có thể làm việc trong các công ty, tổ chức quốc tế, và hỗ trợ xây dựng các dự án chung giữa hai nước.

Thông qua việc học tiếng Việt, sinh viên Italy có thể hiểu sâu sắc hơn về đất nước và con người Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa hai quốc gia.

Một trong những kết quả đáng chú ý là sự quan tâm ngày càng tăng của người dân và bạn bè Italy đối với văn hóa Việt Nam. Những giải thưởng đạt được trong các cuộc thi ẩm thực đã chứng minh sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam. Đồng thời, các buổi trình diễn nghệ thuật, như hát Quan họ, đã góp phần truyền tải các giá trị thẩm mỹ và tinh thần của văn hóa Việt Nam, giúp công chúng quốc tế tiếp cận và trân trọng nền văn hóa này.

Hay việc dịch các bài hát của nhạc sỹ Puccini sang tiếng Việt, do nữ ca sỹ opera Maria Ielli trình bày mới đây tại Bologna, là một ví dụ điển hình về đối thoại văn hóa, nhấn mạnh khả năng của văn hóa Việt Nam trong việc tương tác và hòa nhập với các truyền thống nghệ thuật khác.

Văn hóa Việt Nam đã để lại dấu ấn ngày càng đậm nét tại Italy thông qua nhiều hoạt động. Các sự kiện diễn ra tại những địa điểm mang tính biểu tượng, như Quảng trường Moise ở Venice và Quảng trường Maggiore ở Bologna, đã mang hát Quan họ và các màn trình diễn trống Việt Nam đến trung tâm đời sống văn hóa Italy và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn bè Italy và quốc tế.

Ngoài ra, các triển lãm trưng bày hiện vật Việt Nam đã mang đến một góc nhìn về sự phong phú của nghệ thuật thủ công và lịch sử Việt Nam, khơi dậy sự quan tâm không chỉ đối với nghệ thuật biểu diễn mà còn cả di sản vật thể. Những sự kiện này góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam như một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, nhưng vẫn sống động, thu hút sự tò mò và sự trân trọng từ các tầng lớp khán giả khác nhau.

Dấu ấn văn hóa Việt Nam còn được thể hiện qua việc các yếu tố nghệ thuật Việt Nam đã làm phong phú thêm các lễ hội đón năm mới của người Italy. Sự giao lưu văn hóa này đã góp phần củng cố hình ảnh Việt Nam như một quốc gia năng động và cởi mở với thế giới.

Về yếu tố văn hóa trong quan hệ Việt Nam-Italy, bà Hường đánh giá văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Thông qua các sáng kiến văn hóa, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia đã được củng cố. Các sự kiện văn hóa không chỉ giúp kết nối con người, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các mối quan hệ rộng lớn hơn, bao gồm kinh tế, du lịch và giáo dục.

Các buổi biểu diễn nghệ thuật Việt Nam tại Italy đã làm nổi bật các giá trị phổ quát như hòa hợp, cái đẹp và sự tôn trọng truyền thống, góp phần thắt chặt mối quan hệ nhân văn và ngoại giao giữa hai quốc gia. Đặc biệt, việc quảng bá ẩm thực và âm nhạc truyền thống Việt Nam đã chứng minh rằng các mối quan hệ văn hóa có thể là một kênh hiệu quả để xây dựng cầu nối hữu nghị và hợp tác.

Những nỗ lực này góp phần tạo dựng hình ảnh tích cực của Việt Nam, gia tăng sự quan tâm từ công chúng Italy và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, văn hóa không chỉ là một hình thức thể hiện, mà còn là một công cụ chiến lược để củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và Italy./.