Vận dụng sáng tạo kinh nghiệm hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào

Việc vận dụng sáng tạo kinh nghiệm hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc mối quan hệ Việt-Lào.

Ông Bounhom Thedthany, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Xiengkhouang, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Với tinh thần quốc tế vô sản, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình," quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã có những đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với quân đội và nhân dân các dân tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Nhìn lại lịch sử truyền thống 75 năm qua, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tới tháng 10/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Itxala đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt.

Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: "các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là quân tình nguyện."

Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Kể từ đó, ngày 30/10 được lấy làm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, ông Bounhom Thedthany, Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Xiengkhouang, cho biết việc hình thành liên minh chiến đấu giữa Lào-Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước là một dấu mốc rất quan trọng, thể hiện kết quả của sự hợp tác toàn diện trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước có từ lâu đời.

Ông Bounhom Thedthany nhấn mạnh với kết quả hợp tác này, hai nước Lào-Việt Nam đã được giải phóng, người dân của hai nước được sống trong ấm no hạnh phúc và tiếp tục phát triển đất nước bước vào kỷ nguyên mới hướng tới xã hội chủ nghĩa.

Đứng trên đỉnh đồi thuộc Cánh đồng Chum Xiengkhouang lộng gió vào những ngày cuối tháng 10, Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt- Lào, chia sẻ tháng 4/1964 ông được cử sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế, khi đó ông mới nhập ngũ được 6 tháng và đang là Binh nhì của Tiểu đoàn 51, Trung đoàn 148 thuộc Quân khu Tây Bắc.

Sau khi đơn vị của Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước, riêng Tiểu đoàn 51 được cấp trên giao cho ở lại và chuyển thành Quân tình nguyện bảo vệ Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiengkhouang.

Cánh đồng Chum Xiengkhouang là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt của liên quân Việt-Lào chống lại kẻ thù chung. Có gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào, trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Tiến Long luôn khắc sâu những tình cảm đặc biệt của người dân Lào.

Mọi bước đi của quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào đều được Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chăm lo, tiếp sức, giúp đỡ phối hợp để quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là lòng tin vào sự nghiệp lãnh đạo chiến đấu, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của người dân Lào.

Càng ở lâu bên Lào, ông Long lại càng thấm thía hơn cái nghĩa tình của hai dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào, nghĩa tình mà hai Đảng, hai Nhà nước cùng nhau xây dựng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước, ai nấy cũng mang đầy ắp những kỷ niệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã phối hợp giúp đỡ và chăm lo cho quân tình nguyện Việt Nam.

Về với đời thường, Trung tướng Nguyễn Tiến Long vẫn luôn nhớ những nghĩa tình của người dân Lào đối với đất nước Việt Nam nói chung, đối với những người con được cử sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế cao cả nói riêng; tin tưởng rằng các thế hệ tiếp theo khi được sang Lào học tập, công tác sẽ luôn kế thừa những điều tốt đẹp mà thế hệ cha, ông nhất dưới thời đại Hồ Chí Minh trao truyền cho thế hệ ngày nay.

Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Lào, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Theo Trung tướng Nguyễn Tiến Long, trong đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, hiện Việt Nam đã có mối quan hệ, giao lưu bạn bè với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có hàng chục quốc gia có quan hệ lịch sử không thể tách rời. Trung tướng Long vô cùng trân trọng, tự hào và biết ơn hai Đảng, hai Nhà nước đã xác định quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào là quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.

Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Lào bày tỏ đây là tổng kết những nghĩa tình hai dân tộc hàng trăm năm và nhiều hơn nữa, từ xa xưa cho đến ngày nay, nhưng nhất là ở thời đại Hồ Chí Minh. Ông bày tỏ tin tưởng vào đường lối của hai Đảng, hai Nhà nước trong việc đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và tự hào rằng hai nước đã nâng quan hệ này lên mức vĩ đại.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Lào, dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào đã rất khiêm tốn khi sử dụng chữ “vĩ đại” cho mối quan hệ của hai nước và điều này hoàn toàn đúng với hai dân tộc Việt Nam-Lào.

Ông nhấn mạnh không mang quan hệ này so sánh với bất kỳ thứ gì khác nhưng chỉ biết rằng trong lịch sử hàng nghìn năm, đã có những thử thách sống còn và hai dân tộc luôn “kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi” cho đến tất cả những lợi ích khác để có được mối quan hệ vĩ đại như ngày nay.

Trong cái nắng nhẹ mùa Thu, Thượng tá Vanhthong Ouanthanongsing, cựu binh Lào từng có thời gian tham gia phối hợp với bộ đội, quân tình nguyện Việt Nam tại Xiengkhouang cho biết sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp đất nước Lào để giành lại độc lập, đó là những sự giúp đỡ to lớn, vĩ đại mà trên thế giới chưa từng có.

Thượng tá Vanhthong Ouanthanongsing, cựu chiến binh Lào, chia sẻ về những ký ức khi tham gia cùng quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường Xiengkhouang (Lào). (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Với những sự giúp đỡ này, ông Vanhthong khẳng định sẽ không bao giờ quên và tiếp tục giáo dục cho các thế hệ tiếp theo hiểu sâu về quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ chiến đấu để giải phóng đất nước Lào cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Lào ngày nay.

Việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là kinh nghiệm từ quá trình hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam.

Ông Phetsamone Davongsone, Bí thư tỉnh Đoàn tỉnh Xiengkhouang, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Ông Phetsamone Davongsone, Bí thư Tỉnh Đoàn tỉnh Xiengkhouang, cho biết trong suốt thời gian qua, Tỉnh Đoàn tỉnh Xiengkhouang đã chỉ đạo quán triệt cho tất cả thanh niên Lào về mối quan hệ Lào-Việt Nam đặc biệt là liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam, để cho họ hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ hai nước Lào-Việt Nam, đã có truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng đất nước, để cho người dân được sống trong ấm no hạnh phúc như ngày nay.

Theo ông Phetsamone, để có được điều này, Việt Nam - người bạn thân thiết, gần gũi có một không hai, đã cử quân tình nguyện, chuyên gia sang Lào giúp đỡ giải phóng đất nước Lào, đặc biệt là thanh niên Lào khi đó là một lực lượng còn mỏng cho đến khi vững mạnh và đáp ứng kịp thời. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu là những người đã đặt nền móng cho các thế hệ thanh niên của hai nước luôn chung sức đồng lòng chiến đấu để giành lại độc lập.

Bí thư Tỉnh Đoàn tỉnh Xiengkhouang chia sẻ hằng năm, phía tỉnh Xiengkhouang đều tổ chức các khóa học tiếng Việt do các tình nguyện viên Việt Nam sang dạy, và xem đây là một trong những hoạt động tiêu biểu.

Ngoài ra, tỉnh Xiengkhouang còn phân công cho các các học viên, cán bộ, công chức ở các phòng, ban thuộc thị xã và các huyện trong tỉnh tham dự hoạt động này, sau khi học xong tiếp tục tham gia dạy tiếng Việt cho những các cán bộ, học viên của các phòng, ban, đơn vị xung quanh hoặc giữa các sở, ngành của tỉnh Xiengkhouang cũng có các hoạt động trao đổi kinh nghiệm với các sở, ngành của Việt Nam trong công tác chuyên môn cũng như nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng vun đắp cho mối quan hệ của hai đất nước Lào-Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn.

Với tư cách là Bí thư Tỉnh Đoàn tỉnh Xiengkhouang, ông Phetsamone khẳng định sẽ đem truyền thống tốt đẹp này quán triệt tới các thanh, thiếu niên-những thế hệ tương lai của đất nước Lào, hiểu rõ và quý trọng giữ gìn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam mãi mãi xanh tươi và đặc biệt là luôn ở trong tim mỗi thanh niên Lào.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước.

Việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là kinh nghiệm từ quá trình hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào./.