Vấn đề người di cư: EU siết chặt quy định với người di cư trái phép
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư trái phép ở biên giới, theo đó có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối.
Ngày 10/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư trái phép ở biên giới, theo đó có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối.
Bà von der Leyen nêu rõ "các dự án thí điểm" dựa vào các cơ quan giám sát biên giới, các cơ quan về người tị nạn phối hợp với lực lượng cảnh sát của EU sẽ xem xét thực hiện "các thủ tục giải quyết các trường hợp xin tị nạn nhanh và công bằng" tại các biên giới ngoại khối.
Trong một tài liệu được công bố vào cuối hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 16 giờ, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh tình trạng nhập cư trái phép gia tăng là một thách thức đối với châu Âu, đòi hỏi phải có phản ứng trên toàn châu lục.
Do vậy, các nhà lãnh đạo kêu gọi EC "huy động ngay lập tức các quỹ đáng kể của EU" để tăng cường biên giới ngoại khối bằng cách tăng khả năng bảo vệ, củng cố hạ tầng, phương tiện giám sát, bao gồm thiết bị và phương tiện giám sát trên không.
Chủ tịch EC von der Leyen cho biết thêm cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận đối với một "nguyên tắc", theo đó một quốc gia trong khối có thể sử dụng phán quyết của tòa án ở một quốc gia thành viên khác để trục xuất người di cư trái phép trở về nước xuất xứ.
Điều này sẽ góp phần ngăn chặn khả năng người di cư đến một quốc gia khác để xin tị nạn sau khi bị quốc gia đầu tiên từ chối tiếp nhận. Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý "tăng cường sử dụng các khái niệm quốc gia an toàn", qua đó mở đường thiết lập một danh sách chung liên quan của toàn khối.
[Mỹ-Mexico thảo luận hợp tác kinh tế, chống tội phạm và vấn đề di cư]
Các động thái trên diễn ra sau khi các quốc gia EU, đặc biệt là Áo, kêu gọi EC thanh toán chi phí cho các hàng rào biên giới được gia cố thêm nhằm ngăn chặn người vượt biên trái phép từ các quốc gia láng giềng không thuộc EU, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Chủ tịch EC một lần nữa khẳng định rằng các quỹ của khối không cấp kinh phí cho biện pháp này. Trong khi đó, giới chức trách và các nhà ngoại giao EU chỉ ra rằng nếu EC chi trả cho việc trang bị camera, xây tháp canh và các hạ tầng khác dọc biên giới ngoài EU thì điều này sẽ khuyến khích các nước tự nguyện trích ngân sách quốc gia cho việc dựng rào chắn.
Cho đến nay EU đã tiếp nhận hàng triệu người tị nạn do xung đột tại Ukraine, Syria và Afghanistan, trong khi phải xử lý đơn xin tị nạn của công dân các quốc gia khác như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia - rất nhiều người trong số này thuộc diện không đủ điều kiện cấp quy chế tị nạn.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), chỉ riêng trong năm ngoái, số vụ vượt biên trái phép vào EU lên tới 330.000 vụ. Đây là con số cao chưa từng có kể từ năm 2016.
Các nước thành viên EU hiện vẫn chia rẽ trong vấn đề quốc gia nào chịu trách nhiệm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác./.