Vấn đề di cư bất hợp pháp tại châu Âu - Bài toán khó tìm lời giải

Di cư luôn là vấn đề nan giải của EU khi hàng triệu người từ nhiều quốc gia, chủ yếu tại Trung Đông, châu Phi và châu Á, vẫn bất chấp nguy hiểm khi quyết định rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới.

Người di cư trên thuyền nhỏ chờ lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia giải cứu tại khu vực vùng biển giữa Tunisia và Italy, ngày 10/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau nhiều khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được Hiệp định về Di cư và Tị nạn Mới, với sự ủng hộ của 22/27 nước thành viên, nhưng liệu đây có phải là lời giải cho bài toán di cư đang đè nặng lên khu vực hay không?

Di cư luôn là vấn đề nan giải của EU khi hàng triệu người từ nhiều quốc gia, chủ yếu tại Trung Đông, châu Phi và châu Á, những người đang phải chịu đựng tình trạng bạo lực, xung đột gia tăng, bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế và nghèo đói, vẫn bất chấp nguy hiểm khi quyết định rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới.

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Biên giới châu Âu (Frontex), từ đầu năm đến nay, số người nhập cư bất hợp pháp đến EU là hơn 250.000 người.

Còn theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Italy, trong 9 tháng đầu năm nay đã có 127.207 người nhập cư bất hợp pháp đến nước này, gần gấp đôi so với 66.237 người cùng kỳ năm ngoái và gấp 3 lần so với năm 2021 (42.750 người).

[Các nước EU đạt thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn]

Làn sóng nhập cư bất hợp pháp đã gây ra những hệ lụy lớn và là thách thức của toàn EU, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối.

Hiệp định về di cư và tị nạn mới do nước hiện là Chủ tịch EU Tây Ban Nha đề xuất sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác.

EU cũng cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, mà thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận.

Đồng thời, EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển; kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần hiện nay.

Tuy Hiệp định về di cư và tị nạn mới được đánh giá hoàn hảo về mặt lý thuyết, song thực tế, các nước EU khó tìm được tiếng nói chung về chia sẻ gánh nặng (cơ chế đoàn kết), hay việc mở hành lang cho người nhập cư hợp pháp.

Đó là lý do Ba Lan và Hungary vẫn phản đối và bỏ phiếu chống, trong khi Cộng hòa Séc, Slovakia và Áo bỏ phiếu trắng đối với Hiệp định.

Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU ngày 6/10 vừa qua, nội dung về hiệp định đã không được đưa vào tuyên bố chung do còn nhiều chia rẽ giữa các nước thành viên.

Ba Lan và Hungary chỉ trích rằng các quyết định về di cư giữa các nước EU được đưa ra bởi quy tắc đa số đủ điều kiện chứ không phải nguyên tắc đồng thuận.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả việc bắt buộc các quốc gia thành viên EU phải tiếp nhận một phần người di cư hoặc phải trả tiền là “hành động cưỡng bức hợp pháp." Điều đó cho thấy EU sẽ rất khó để thông qua và triển khai thỏa thuận một cách hiệu quả.

Việc hồi hương nhanh hơn những người xin tị nạn bị từ chối và thậm chí là một chiến dịch hải quân mới của EU ở Địa Trung Hải, dường như đều không khả thi vào lúc này, dựa trên thực tế của 20 năm qua.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, học giả Roberto Cajati, Phó Chủ tịch Quỹ Italy-Việt Nam, cho rằng chủ yếu có hai lý do khiến EU vẫn chưa thể tìm ra lời giải lâu dài và hiệu quả cho bài toán di cư.

Một mặt, nhập cư bất hợp pháp ở châu Âu hiện là một vấn đề rất nhạy cảm. Theo Eurobarometer, 70% công dân châu Âu thực sự quan ngại về vấn đề này.

Mặt khác, vị trí địa lý của các quốc gia thành viên khác nhau khiến gánh nặng di cư đối với từng nước là khác nhau.

Theo chuyên gia Roberto Cajati, Thỏa thuận Dublin (năm 1990) đã tạo ra một tình huống trong đó toàn bộ gánh nặng của những người nhập cư bất hợp pháp vào EU đổ lên các quốc gia thành viên nằm ở đường biên giới ngoài, khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi trước một vấn đề cần phải đối mặt ở cấp độ châu Âu.

Một số nước EU đã cam kết chấp nhận người nhập cư, nhưng chỉ trên cơ sở tự nguyện.

Với việc cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần, ngay cả Pháp và Đức cũng thắt chặt biên giới, bất chấp các quy định của hiệp ước Schengen.

Trên thực tế, vấn đề di cư đã là ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu trong hơn một thập niên qua, nhưng không thể được áp dụng do tầm nhìn khác nhau của các quốc gia trong việc kiểm soát tình trạng này.

Lý giải về nguyên nhân, ông Andrea Margelletti, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (Ce.SI) của Italy, nhấn mạnh EU thiếu đối tác đối thoại và không thống nhất được về việc tái định cư người di cư.

Chuyên gia Andrea Margelletti đánh giá: “EU đã cố gắng nhân rộng ‘mô hình Thổ Nhĩ Kỳ’ với các quốc gia Địa Trung Hải khác như Tunisia nhưng không thành công, do không có người đối thoại đáng tin cậy, cũng như việc thiếu tầm nhìn, chỉ tập trung vào việc ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu."

Trong khi đó, việc tái định cư người di cư một lần nữa cho thấy sự thiếu đoàn kết giữa các quốc gia thành viên EU.

Theo số liệu của Cơ quan Tị nạn EU (EUAA), trong 6 tháng đầu năm nay, EU đã tiếp nhận 519.000 đơn xin tị nạn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với xu hướng này, dự báo trong năm nay, số lượng người xin tị nạn tại EU có thể lên tới 1 triệu người.

Trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, nhiều nước EU như Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan và Bỉ đã từng tiếp nhận hàng triệu người di cư và tìm cách hòa nhập những người này vào cơ cấu xã hội của nước đó.

Nếu xét đến tình trạng dân số già đi và suy giảm ở châu Âu thì việc mở cửa cho nhập cư hợp pháp để tiếp nhận một lượng lớn người trong độ tuổi lao động, dựa trên nhu cầu của thị trường việc làm, là vô cùng cần thiết.

Giáo sư Luật Quốc tế tại Đại học Phương Đông Naples (Italy), ông Giuseppe Cataldi, nhận định: “Nếu không có sự bổ sung dân số từ người nhập cư, châu Âu sẽ sớm biến mất vì tỷ lệ sinh hiện quá thấp. Tại châu Âu, người nhập cư cũng đang gánh vác lượng lớn những loại công việc đặc thù. Hơn nữa, lịch sử dạy cho chúng ta bài học rằng những nền văn minh quá khép kín sẽ không tránh khỏi bị biến mất.”

Tuy nhiên, hiện EU không thể kiểm soát được dòng người di cư ồ ạt tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Tháng trước, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận nước này đã chạm "giới hạn" về tiếp nhận người di cư.

Châu Âu phải đi tìm lời giải cho bài toán di cư hóc búa, mà một Hiệp định về Di cư và Tị nạn Mới không thể giải quyết.

Chắc chắn việc giải quyết tận gốc vấn đề khủng hoảng nhập cư của châu Âu là rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định.

Hầu hết những người di cư từ Trung Đông-Bắc Phi không có lựa chọn nào khác ngoài việc liều mình băng qua Địa Trung Hải để đến được châu Âu.

Do đó, các quốc gia thành viên EU cần tạo điều kiện để cho họ, thay vì phải di cư, thì có thể lựa chọn ở lại quê hương mình.

Nhưng để làm được điều này, EU cần ý chí, nguồn lực và một chính sách đối ngoại chung, mà ở thời điểm hiện nay, mục tiêu đó có vẻ rất khó đạt được./.

Dương Hoa-Trường Duy-Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)